Liên minh châu Âu (EU) cần kiên nhẫn khi đàm phán với Anh. Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra trong ngày hôm nay (28/6) tại Brussels , Bỉ.

eu_xbox.jpg
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, châu Âu đã sẵn sàng để khởi động các cuộc đàm phán để Anh rời khỏi mái nhà chung. (Ảnh: Reuters)

Ông Tusk cho biết, châu Âu đã sẵn sàng để khởi động các cuộc đàm phán để Anh rời khỏi mái nhà chung. Cũng theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, 27 nước thành viên còn lại của EU sẽ nhóm họp để thảo luận về sự ra đi của Anh mà không có sự tham dự của Thủ tướng Anh David Cameron.

Nước Anh hiện đang phải đối mặt với lời kêu gọi đầy giận dữ của các nhà lãnh đạo châu Âu yêu cầu Anh nhanh chóng khởi động đàm phán rời khỏi EU nhằm giải quyết những bất ổn kinh tế và chính trị có thể xảy ra từ việc Anh rời khỏi khối này.

Trong một diễn biến có liên quan, với 395 phiếu thuận, 200 phiếu chống và 71 phiếu trắng, trong phiên họp khẩn cấp ngày 27/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Anh ngay lập tức “kích hoạt” tiến trình rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, sau khi đa số cử tri Anh đã lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hôm 23/6 vừa qua.

Các cuộc thương lượng chính thức sẽ không bắt đầu cho tới khi Anh kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - đánh dấu tiến trình kéo dài 2 năm tiến hành các thủ tục rút khỏi “mái nhà chung châu Âu”.

Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết trên sau khi ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập Liên minh châu Âu, gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg ngày 25/6 nhóm họp tại Berlin, Đức và ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán việc Anh rời khỏi khối này.

Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 vừa qua quyết định quy chế thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu kết thúc với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit đạt tỷ lệ 51,9%, trong khi phe mong muốn ở lại là 48,1%.

Việc Anh tuyên bố kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này. Sau đó, các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi liên minh. Tiến trình đàm phán cũng có thể được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện cả Anh và 27 nước thành viên còn lại đồng thuận./.