Reutersdẫn lời Chủ tịch Donald Tusk ngày 18/12 trong cuộc họp các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU tuyên bố: “Chúng ta cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa chứ không phải chỉ là phản ứng và phòng vệ (với Nga). Người châu Âu cần phải giành lại sự tự tin của mình và nhận ra sức mạnh thực sự của mình”.
Ông Tusk cũng cho rằng việc châu Âu đoàn kết với nhau đề đối phó với Nga là việc cần thiết.
“Rõ ràng là chúng ta sẽ không thể tìm ra một lối thoát lâu dài cho Ukraine mà không có một chiến lược lâu dài, đầy đủ và thống nhất để đối phó với Nga”, ông Tusk nói.
“Chúng ta không thể quá lạc quan được, chúng ta cần phải thực tế”, Chủ tịch EU nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Tusk được đưa ra, sau khi Tổng thống Nga lên tiếng về chính sách của Nga với Ukraine cũng như chính sách kinh tế của nước này trong cuộc họp báo thường niên.
Để đáp lại, lãnh đạo 28 nước châu Âu đã nhóm họp và bàn thảo về việc họ cần phải đối phó với Nga như thế nào cũng như sẽ phải áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga ra sao.
Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng lên tiếng cho rằng, thay vì tập trung viện trợ cho Ukraine, EU cần phải tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Nga vì lợi ích kinh tế lâu dài của EU cũng bị ảnh hưởng rất nhiều sau khi giá dầu và đồng ruble của Nga đang trượt dốc nhanh chóng.
Mặc dù vẫn còn những bất đồng trong việc đối đầu với Nga, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố họ vẫn sẽ kề vai sát cánh với nhau. Họ cũng thống nhất tiếp tục hỗ trợ Ukraine tiến hành các cuộc cải cách chính trị và kinh tế.
“Hiện nay Nga mới là mối nguy chiến lược của chúng tôi chứ không phải Ukraine”, ông Tusk nói.
“Thách thức lớn nhất đối với EU là cách tiếp cận đối với Nga và điều này cũng là mối lo ngại cả với Ukraine”, ông Tusk nói.
Dù đã thống nhất về việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, các nhà lãnh đạo EU cũng vẫn chưa muốn công bố vì lo ngại điều này có thể làm leo thang căng thẳng.
Cũng giống như Mỹ, EU tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh cấm vận nếu họ nhận thấy ông Putin có những bước đi thiện chí trong vấn đề Ukraine.
“Cánh cửa sẽ luôn mở ra đối với Nga nếu Nga thay đổi cách hành xử của mình”, Thủ tướng Anh David Cameron nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Lệnh trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ nếu có lý do chính đáng”.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng nhấn mạnh, việc đối thoại với Nga là rất cần thiết.
“Chúng ta cần phải duy trì các kênh đối thoại. Tôi biết ông Putin đã lâu và tôi muốn tận dụng lợi thế này để đối thoại”, ông Juncker nói.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini lại kêu gọi ông Putin cần thay đổi thái độ một cách nhanh chóng và hợp tác với EU.
“Tổng thống Putin cần phải cho cả thế giới thấy thiện chí thực sự mong muốn hợp tác của mình. Thế giới chưa bao giờ bất ổn và nguy hiểm như bây giờ”, bà Mogherini nói./.