Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu hôm qua (17/11) có cuộc họp tại Brussels (Bỉ) nhằm thảo luận về tình hình Ukraine. Ngoài dự đoán của dư luận, các nước EU không đưa ra bất cứ biện pháp trừng phạt kinh tế mới nào nhằm vào Nga, mặc dù lên tiếng cảnh báo tình trạng bạo lực gia tăng tại miền Đông. Những chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên EU cùng hậu quả có thể nhìn thấy được nếu căng thẳng quan hệ với Nga gia tăng, khiến các nước không thể đạt được sự đồng thuận trong việc gây sức ép với Nga.

doi_lap_ukraine_tai_chot_kiem_soat_uqhf.jpgMột thành viên lực lượng vũ trang đối lập Ukaine tại một chốt kiểm soát (ảnh: businessweek)
Chính phủ các nước Liên minh châu Âu hôm qua đã đưa ra các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với lãnh đạo lực lượng đối lập ở miền Đông. Dự kiến danh sách cụ thể sẽ được công bố vào cuối tháng này. Có khoảng 120 quan chức Nga và Ukraine đã nằm trong danh sách trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản của EU.  

Sau hàng loạt các cảnh báo của các nước châu Âu tại Hội nghị G20, dư luận cho rằng hội nghị Ngoại trưởng EU lần này nhằm hiện thực hóa các tuyên bố gia tăng sức ép với Nga. Tuy nhiên các nước EU đều khẳng định, Nga phải là một phần của giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine và các nước EU phải tìm cách đối thoại với Nga.

Ngoại trưởng các nước cũng kêu gọi Ukraine tăng gấp đôi những nỗ lực cải cách kinh tế và chính trị, hối thúc Nga, Ukraine và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tăng cường các cuộc đối thoại.  Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng cho rằng, các cuộc đối thoại giữa Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo tại G20 đã mở ra khả năng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Hammond nói: “Mặc dù lãnh đạo EU và Tổng thống Nga Putin có các cuộc đối thoại ngắn tại G20, nhưng tất cả chúng ta đều nhận thức rằng các bên đang mong muốn và cố gắng tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi muốn có bất cứ cơ hội nào để theo đuổi các cuộc đối thoại thoại chính trị. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng thông qua việc thông báo áp đặt  thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào lực lượng đối lập ở miền Đông”.

Phát biểu sau cuộc họp, Cao ủy liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, các biện pháp trừng phạt là một dụng cụ hiệu quả cho một chiến lược lớn hơn. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định các nước cần phải đối thoại với Nga về  một giải pháp cho Ukraine. Bà Mogherini cũng cho biết sẽ sớm có chuyến thăm Ukraine ngay sau khi chính phủ mới được thành lập, đồng thời để ngỏ khả năng thăm Nga nếu các điều kiện cho phép. Bà Mogherini phát biểu: “Trước khi quyết định tới Nga chúng tôi phải đánh giá xem liệu chuyến thăm này có thật sự hữu ích không. Ngoài ra chúng tôi cần phải xem xét liệu các điều kiện có đáp ứng để cuộc gặp có kết quả hay không. Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra”

Rõ ràng khi các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây trong thời gian qua đang bắt đầu có tác động rõ rệt đối với nền kinh tế mỗi nước, EU dường như thận trọng hơn trong cách  tiếp cận với Nga.

Nội bộ các nước thành viên EU cũng có nhiều chia rẽ trong cách tiếp cận với Nga do lo ngại các biện pháp trừng phạt này có thể tác động ngược trở lại đối với nền kinh tế của họ. Các nước vùng Baltic, Ba Lan, Thụy Điển nhất trí thúc đẩy trừng phạt Nga, nhưng các nước như Áo, Hy Lạp và CH Síp lại do dự  trong việc gia tăng trừng phạt Nga.

Ngọai trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm nay bắt đầu chuyến thăm Ukraine và Nga để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Dự kiến tình hình Ukraine tiếp tục là tâm điểm tại hội nghị cấp cao EU vào ngày 18 và 19/12 tới tại Brussels (Bỉ)./.