Hôm qua (20/7), hải quân Italy lại cứu sống thêm khoảng 600 người nhập cư, trong đó có rất nhiều phụ nữ, phần lớn đến từ vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi.

nhap_cu_vnal.jpg
Châu Âu thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. (ảnh: DW )

Thực tế này cho thấy, làn sóng người tìm kiếm nhập cư vào châu Âu vẫn không ngừng gia tăng, trong khi các quan chức Liên minh châu Âu nhóm họp hôm qua (20/7), tại Brussels, Bỉ vẫn chưa đạt được tiến bộ nào trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Tại cuộc họp lần này, Ủy ban châu Âu mong muốn các nước thành viên có thể thảo luận kế hoạch tiếp nhận 20.000 người từ các nước bất ổn như Syria hay đang ở các trại tị nạn trung gian ở Lebanon và Jordan.

Về điểm này, Bộ trưởng Nội vụ các nước Liên minh châu Âu đã đạt được sự đồng thuận. Tuy nhiên, các Bộ trưởng chưa thể nhất trí về kế hoạch phân bổ 40 nghìn người tìm kiếm cơ hội nhập cư đang ở Italy và Hy Lạp sang cho các nước thành viên khác trong vòng 2 năm tới.

Chủ trì cuộc họp lần này, Bộ trưởng Nội vụ Luxembourg Jean Asselborn cho biết: “Chúng tôi đã tìm cách đạt được con số cần thiết cho năm đầu tiên của kế hoạch để giúp Hy Lạp và Italy đối mặt với tình trạng khẩn cấp khi phải tiếp nhận đến 20.000 người nhập cư. Để đạt được mục tiêu cho năm thứ hai thì chúng tôi cần phải nỗ lực hơn nữa nhưng ít nhất chúng tôi cũng đã đạt được con số 12.000 người.”

Cản trở chủ yếu vẫn đến từ Tây Ban Nha, Áo và Ba Lan với lý do họ chưa sẵn sàng đón nhận một số lượng người tìm kiếm cơ hội nhập cư lớn đến thế. Ba Lan chỉ cam kết tiếp nhận một nghìn người trong khi Ủy ban châu Âu mong muốn con số này là 2500 người. Còn Tây Ban Nha hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ cam kết chính thức nào.

Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz cho rằng nước này đã đóng góp quá đủ cho việc ngăn chặn làn sóng nhập cư: “Thật đáng hổ thẹn là chúng ta đang phải chứng kiến những bi kịch ở Địa Trung Hải. Nhưng tôi muốn nhắc nhở các nước khác rằng nếu không có thảm kịch nhân đạo nào Địa Trung Hải khu vực gần Đại Tây Dương thì đó là vì Tây Ban Nha đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của mình với tinh thần trách nhiệm và sự đoàn kết.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cũng cho rằng, nước này đã gánh vác nhiều hơn khả năng của họ. Bộ trưởng Nội vụ Áo nêu rõ, Áo là một trong những mục tiêu đầu tiên của người nhập cư và so với số lượng người định cư ở đây thì nước này đang phải đối mặt với số đơn xin nhập cư cao gấp 10 lần so với Hy Lạp hay Italy.

Vì thế, bà cho rằng sẽ là không công bằng khi Áo một lần nữa phải tiếp nhận thêm người nhập cư theo kế hoạch hạn ngạch của Ủy ban châu Âu. Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về nhập cư Dimitris Avramopoulos cho biết:“Rõ ràng, các nước thành viên cần phải đưa ra cam kết dựa trên những gì đã nhất trí hồi tháng trước về kế hoạch phân bổ 40.000 người nhập cư. Nhưng thẳng thắn mà nói, tôi thất vọng vì điều đó đã không xảy ra hôm nay.”

Kể từ đầu năm đến nay ước tính 150.000 người nhập cư đã tìm đến châu Âu thông qua con đường Địa Trung Hải và phần lớn trong số này cập bến ở Italy và Hy Lạp. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết, trong số này có hơn 1900 người nhập cư đã bỏ mạng trên Địa Trung Hải, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước tình trạng đáng báo động này, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho rằng, đã đến lúc Liên minh châu Âu cần phải có “một chính sách đối nội – đối ngoại nhằm vào sự đoàn kết”./.