Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Ba Lan Mateusz Morawiecki ở thủ đô Warszawa nhân chuyến thăm và tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 các nước khu vực Tây Balkan, Thủ tướng Andrej Plenković nói rằng Liên minh châu Âu không nên quá chậm chân đối với tiến trình hội nhập của các nước trong khu vực Tây Balkan.
Hai thủ tướng Croatia (trái) và Ba Lan muốn đẩy nhanh kết nạp Tây Balkan vào EU - Ảnh: Chính phủ Ba Lan. |
"Chẳng ai ảo tưởng khi nghĩ rằng tiến trình hội nhập của các nước Tây Balkan vào EU sẽ xảy ra trong ngày một ngày hai, nhưng cần thiết phải theo sát, duy trì và củng cố nó. Tôi đã đôi lần nói rằng EU chậm chân bao nhiêu thì các chủ thể có ảnh hưởng toàn cầu khác sẽ nhanh chân gia tăng sự can dự và ảnh hưởng của mình bấy nhiêu tại khu vực này của châu Âu", Thủ tướng Andrej Plenković nói.
Tán đồng quan điểm của người đồng cấp Croatia, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng Ba Lan hoàn toàn ủng hộ quá trình mở rộng Liên minh châu Âu đối với các nước Tây Balkan. Ông nhắc lại bài học khủng hoảng người di cư năm 2015 khi tuyến đường Balkan được người di cư sử dụng để vào châu Âu, đồng thời nhấn mạnh kết nạp các nước Tây Balkan cũng đồng nghĩa với việc tăng cường bảo vệ biên giới vòng ngoài của khối.
"Một trong những điều mà cả tôi và Thủ tướng Croatia muốn xảy ra là hiện thực hóa Tiến trình Berlin với mục tiêu hội nhập các nước Tây Balkan vào Liên minh châu Âu nhằm làm cho biên giới bên ngoài của khối được trở nên thống nhất hơn, và cũng là để bảo vệ biên giới được tốt hơn trong trường hợp một cuộc khủng hoảng người di cư mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai", Thủ tướng Ba Lan nói.
Quan điểm của hai nhà lãnh đạo được đưa ra trong bối cảnh 6 nước khu vực Tây Balkan bao gồm Albania, Bosnia & Herzegovina, Montenegro, Kosovo, Bắc Macedonia và Serbi đang kỳ vọng sẽ gia nhập EU trong tương lai. Tuy nhiên, cải cách chưa sâu rộng và đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ đang là rào cản lớn ngăn các nước này bước gần hơn tới ngôi nhà chung. EU mới đây tuyên bố chưa khởi động các cuộc đàm phán gia nhập khối đối với hai ứng cử viên tiềm năng là Bắc Macedonia và Albania.
Hiện hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 các nước khu vực Tây Balkan đang diễn ra tại thành phố miền Tây Poznan của Ba Lan trong khuôn khổ của Tiến trình Berlin nhằm đánh giá quá trình hợp tác và khả năng hội nhập của khu vực. Sự kiện diễn ra trong ba ngày và 5/7 là ngày cuối cùng của hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo 8 nước châu Âu trong sáng kiến Tiến trình Berlin và 6 nước khu vực Tây Balkan./.
Nga mong muốn khôi phục quan hệ đầy đủ với Liên minh châu Âu