Ngày 27/11, các liên đoàn lao động của Hy Lạp tiến hành cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ, gây ngưng trệ hoạt động tại các cơ quan chính phủ và một số tuyến giao thông quan trọng.

Liên đoàn lao động khu vực tư nhân GSEE và Liên đoàn lao động khu vực công ADEDY đã kêu gọi bãi công nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm lao động và cải cách tiền lương mà hai chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu Hy Lạp thực hiện.

greece_copy_sxnp.jpgNgười dân Hy Lạp xuống đường tham gia biểu tình (Ảnh AFP)
Tất cả những chuyến bay nội địa và quốc tế tại sân bay Hy Lạp đều bị hủy sau khi các nhân viên kiểm soát không lưu tham gia đình công. Hoạt động đường sắt, đường thủy, cũng như hoạt động của các cơ quan thuế và cơ quan công quyền đều rơi vào tình trạng tê liệt. Trong khi đó, các bệnh viện chỉ phục vụ những ca cấp cứu. Một khách du lịch Mỹ cho biết:

“Tôi hy vọng các cuộc đình công không ảnh hưởng đến nhiều người, nhưng thật không may, chúng tôi đang gặp phải nhiều rắc rối do những cuộc đình công. Tôi hy vọng rằng các chính trị gia sẽ giải quyết ổn thỏa mọi việc”.

Trong tuyên bố, GSEE chỉ trích chính sách “thắt lưng buộc bụng” và các khoản thuế tăng đột biến do Chính phủ Hy Lạp và bộ ba chủ nợ quốc tế (Liên minh châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu) đặt ra.

GSEE còn cáo buộc Chính phủ Hy Lạp cố tình đưa thị trường lao động trở lại “thời Trung cổ” và thực hiện các chính sách dẫn tới một “cuộc khủng hoảng nhân đạo."

Theo kế hoạch, người lao động Hy Lạp sẽ tuần hành tới tòa nhà quốc hội vào cuối ngày 27/11 để phản đối.

Hoạt động đình công lần này cho thấy phản ứng dữ dội từ phía người dân đối với chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras, hiện cũng đang phải đối diện với áp lực từ Liên minh châu Âu và Qũy tiền tệ quốc tế trong việc cắt giảm nhiều khoản chi hơn nhằm cân bằng ngân sách năm tới.

Trước đó, hồi tháng Tư năm nay, GSEE và ADEDY cũng đã tổ chức một cuộc tổng đình công phản đối chính sách kinh tế khắc khổ./.