Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 11/12 đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn các bộ trưởng và quan chức cấp cao, với cam kết “đấu tranh đến cùng với chủ nghĩa khủng bố”.

tong_thong_erdogan_chong_khung_bo_xdqs.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: turkeyanalysis.

Cuộc họp diễn ra một ngày sau vụ đánh bom kép ở thành phố Istanbul lớn nhất nước khiến gần 40 người chết. Vụ tấn công đã một lần nữa làm gia tăng lo ngại quốc gia Trung Đông này trở thành mục tiêu mới của chủ nghĩa khủng bố sau khi tiến trình hòa bình tại nước này thất bại hồi đầu năm 2015.

Phát biểu trong chuyến thị sát hiện trường vụ đánh bom, Tổng thống Erdogan một lần nữa khẳng định quyết tâm đấu tranh đến cùng với chủ nghĩa khủng bố.

Ông Erdogan nói: “Điều chúng ta cần phải tập trung hiện nay là gánh nặng khủng bố. Người dân sẽ không cần phải nghi ngờ quyết tâm của chúng ta tiếp tục đấu tranh đến cùng với chủ nghĩa khủng bố. Nếu những kẻ khủng bố lên kế hoạch đe dọa chúng ta bằng các vụ tấn công, chúng ta sẽ không hạ mình để cuộc chiến này lại cho những kẻ nhút nhát”.

Vụ đánh bom kép đêm 10/12 đã nối dài danh sách các vụ tấn công khủng bố mà Thổ Nhĩ  Kỳ phải hứng chịu từ giữa năm 2015.

Thủ phạm chủ yếu hoặc là các nhóm người Kurd ly khai hoặc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Con số gần 60 vụ tấn công khủng bố trong hơn 1 năm qua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mục tiêu mới của chủ nghĩa khủng bố?

Theo các nhà phân tích, có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ là “điểm giao thoa” của hai hình thức tấn công khủng bố: Nhóm IS và  nhóm Những con chim ưng tự do người Kurd (TAK), một nhánh tách ra từ đảng Công nhân người Kurd đã nhận trách nhiệm vụ tấn công đêm 10/12 và đây cũng là chính là nhóm nổi dậy đã thực hiện 3 vụ tấn công lớn trước đó trong năm nay.

Các vụ tấn công mà nhóm người Kurd nhận trách nhiệm đã một lần nữa cho thấy sự cần thiết phải vực dậy tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.

Được khởi động từ năm 2012, song tiến trình hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại chỉ 3 năm sau đó, với sự thay đổi quyền lực của ông Erdogan, từ vị trí Thủ tướng tập trung nhiều quyền lực sang vị trí Tổng thống chủ yếu mang tính biểu tượng.

Và cũng từ thời điểm này, tình hình chính trị và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên căng thẳng và chỉ trong vòng 1 năm qua, bóng ma khủng bố trở nên hiện hữu hơn.

Trong cuộc chiến khủng bố, ba đảng phái chính trị tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, gồm đảng Công lý và Phát triển cầm quyền  (AKP), đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập chính (CHP) và đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (HDP) hôm 11/12 đã ra tuyên bố chung nhất trí hỗ trợ tối đa các lực lượng an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo Người phát ngôn Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, những cuộc tấn công như thế này sẽ chỉ củng cố thêm quyết tâm của chính phủ tiêu diệt các phần tử khủng bố./.