Động thái mới của Ủy ban châu Âu cho thấy tranh cãi cải cách tư pháp bấy lâu nay giữa Brussels và Warsaw không những chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà dường như ngày một xấu thêm.

Cuối năm 2017, Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao với nhiều điểm mới, trong đó có đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán từ 70 như hiện nay xuống còn 65. Khi luật có hiệu lực vào ngày 3/7/2018, hơn một phần ba trong tổng số 74 thẩm phán hiện nay sẽ bị buộc thôi việc.

eu_ba_lan_nrqm.jpg
Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố áp dụng biện pháp pháp lý đối với Ba Lan xung quanh kế hoạch cải cách Tòa án Tối cao gây tranh cãi của nước này. Ảnh: Reuters

Đạo luật trên không những vấp phải phản đối gay gắt từ các thẩm phán và giới luật sư trong nước mà còn gây quan ngại tới Ủy ban châu Âu. Ủy ban cho rằng luật mới sẽ làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tư pháp, đồng thời vi phạm nghĩa vụ của nước này đối với Liên minh châu Âu.

Brussels đã tiến hành các cuộc đối thoại với Warsaw để giải quyết tranh cãi, song theo ông Margaritis Schinas, phát ngôn viên của Ủy ban tại cuộc họp báo chung ngày 2/7, Ba Lan vẫn chưa có nhiều tiến bộ thực sự, buộc ủy ban phải có hành động cần thiết.

"Luật Tòa án Tối cao của Ba Lan đã được thảo luận trong khuôn khổ đối thoại nguyên tắc pháp quyền giữa Ủy ban châu Âu và chính quyền Ba Lan, nhưng nó không mang lại kết quả như mong đợi. Vì không có tiến bộ và liên quan tới việc buộc nghỉ hưu sớm của các thẩm phán, hôm nay Ủy ban châu Âu quyết định tiến hành thủ tục pháp lý ngay lập tức đối với Ba Lan", ông Margaritis Schinas cho biết.

Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình pháp lý mà Ủy ban áp dụng đối với một quốc gia thành viên do vi phạm quy định của khối. Ba Lan sẽ có một tháng để phúc đáp và nếu không thấy thỏa mãn, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành các bước tiếp theo mà bước cuối cùng là sẽ đưa vấn đề ra Tòa án Công lý châu Âu. Mặc dù vậy, ông Schinas nói rằng Ủy ban sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Warsaw để giải quyết tranh cãi.

Phản ứng trước động thái trên, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz tuyên bố nếu Ủy ban châu Âu chưa hài lòng, Ba Lan sẵn sàng ra hầu tòa. Theo ông, Tòa án Công lý châu Âu chỉ là nơi giải quyết các tranh chấp pháp lý liên quan tới luật của EU, còn chuyện cải cách tư pháp này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của mỗi quốc gia thành viên.

Tuần trước, Ba Lan đã bảo vệ kế hoạch cải cách gây tranh cãi của mình trước các Bộ trưởng các vấn đề châu Âu tại Luxembourg, tuy nhiên Ủy ban châu Âu cho biết luận cứ của Ba Lan đưa ra không có gì mới so với những lần trước.

Tháng 12 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đề nghị Hội đồng châu Âu kích hoạt điều 7 Hiệp ước thành lập khối để trừng phạt Ba Lan do lo ngại cải cách tư pháp đang đe dọa tới nguyên tắc pháp quyền ở nước này. Ba Lan có thể sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại các định chế của EU, nhưng khả năng trên khó thành hiện thực khi Hungary tuyên bố phủ quyết bất cứ hình phạt nào chống lại Ba Lan./.