Như vậy, trong suốt mấy ngày qua, Ai Cập liên tục phải đối mặt với các biểu tình lan rộng sau khi Liên minh quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL)- lực lượng do Tổ chức anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu và quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi, phát động cuộc “biểu tình triệu người” để phản đối chính phủ lâm thời.

Các nhân chứng cho biết cảnh sát Ai Cập đã bắn đạn hơi cay vào các sinh viên biểu tình tại Đại học al-Azhar ở thủ đô Cairo sau khi họ tiến vào tòa nhà hành chính của trường.

egypt_copy.jpg
Sinh viên tại Ai Cập tham gia biểu tình (Ảnh AP)

Theo tuyên bố của Bộ Nội vụ Ai Cập, Hiệu trưởng trường Đại học al-Azhar - 1 cơ sở thuộc nhà thờ al-Azhar có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập, đã đề nghị lực lượng cảnh sát chống bạo động có mặt tại trường này, song không được sử dụng súng trong khuôn viên trường.

Ít nhất 25 người đã bị bắt giữ sau khi hàng trăm sinh viên xông vào trường đại học al-Azhar, hủy hoại máy tính, tài liệu, các tài sản khác và đụng độ với cảnh sát.

Trong ngày 30/10, hàng chục sinh viên đã bị thương tại các trường đại học ở Alexandria- thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải - và tỉnh Mansoura thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile trong các cuộc đụng độ giữa các sinh viên đối địch.

Tại trường Đại học Alexandria, các sinh viên đã dùng gạch đá tấn công lẫn nhau sau khi một nhóm người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi tổ chức tuần hành ngay trong khuôn viên của trường và hô khẩu hiệu phản đối quân đội.

Lực lượng cảnh sát và quân đội đã được triển khai xung quanh trường nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ lan ra ngoài khuôn viên trường.

Kể từ ngày khai giảng, các trường đại học ở Ai Cập đã chứng kiến hàng loạt cuộc đụng độ bạo lực giữa các sinh viên ủng hộ và phản đối Tổng thống bị lật đổ Morsi, khiến hàng trăm sinh viên bị thương, bị bắt giữ và bị đình chỉ học.

NASL cho biết, cuộc biểu tình nhằm ủng hộ “tính độc lập của ngành tư pháp” với cáo buộc chính phủ lâm thời can thiệp thô bạo vào công việc của ngành tư pháp.

Liên minh này cũng kêu gọi những người ủng hộ tham gia các cuộc biểu tình lớn với tên gọi “chống đảo chính quân sự đẫm máu” vào ngày 4/11 tới, thời điểm dự kiến diễn ra phiên tòa xét xử ông Morsi một số thủ lĩnh của Tổ chức anh em Hồi giáo với cáo buộc tra tấn và sát hại những người biểu tình đối lập trước cửa dinh tổng thống vào tháng 12-2012.

Ông Malek Any, chuyên gia phân tích chính trị người Ai Cập nhận định về mục đích các cuộc biểu tình của Tổ chức Anh em Hồi giáo: “Mục đích của các cuộc biểu tình như vậy là nhằm thay đổi chính trị cũng như hỗ trợ Tổ chức Anh em Hồi giáo trong các phiên tòa sắp tới đồng thời gây sức ép đối với chính phủ lâm thời. Ít nhất họ muốn bảo vệ một số lãnh đạo của tổ chức không bị truy tố do liên quan đến những vụ kích động biểu tình”.

Trước làn sóng phản đối chính quyền quân sự, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem el-Beblawi đã có động thái nhằm xoa dịu công chúng khi tuyên bố không muốn quốc gia Bắc Phi này trở thành nhà nước quân sự.

Trả lời phỏng vấn truyền hình, ông Beblawi nhấn mạnh một trong những thành quả quan trọng của cuộc cách mạng tháng 1/2011 là chấm dứt khái niệm về nhà nước quân sự.

Theo ông, quân đội có vai trò quan trọng là bảo vệ biên giới của đất nước và họ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ chính của mình nếu can dự sâu hơn vào chính trị. Thủ tướng lâm thời Ai Cập cũng khẳng định Chính phủ lâm thời Ai Cập cam kết thực hiện lộ trình chuyển tiếp chính trị và sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn vào năm 2014.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quân đội Ai Cập lại mang đến một cảm giác hoài nghi khi hình ảnh của Tướng Abdel-Fatah El-Sisi, Bộ trưởng Quốc phòng, xuất hiện mọi lúc, mọi nơi.

Ông El-Sisi được cho là người nắm thực quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến chính trường Ai Cập hiện nay. Người dân Ai Cập bắt đầu bàn tán về tương lai chính trường nước này và vai trò của quân đội. Những lời đồn thổi cũng vì đó mà nhanh chóng lan ra, rằng cuộc đảo chính lật đổ ông Morsi chỉ là màn dạo đầu của một kịch bản đã được viết sẵn, rằng Tướng El-Sisi sẽ chạy đua vào chức tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Vì vậy, việc Tổ chức anh em Hồi giáo tiếp tục kích động các cuộc biểu tình phản đối là điều dễ hiểu. 

Abdullah Senawy, nhà phân tích chính trị Ai Cập nhận định: “Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ sự hòa giải nào giữa hai bên. Tổ chức Anh em Hồi giáo muốn giành lại quyền lực trong khi đó bên kia-chính phủ lâm thời khẳng định một lộ trình không có sự tham gia của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Do vậy, khó có thể có hòa giải”.

Xung đột gay gắt giữa các thành viên của Tổ chức anh em Hồi giáo  và quân đội Ai Cập đã nhấn chìm mọi hy vọng về một giải pháp toàn diện thúc đẩy tiến trình chuyển giao và thiết lập trật tự ở quốc gia Bắc Phi này.

Theo lộ trình, Ai Cập sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới hoặc sửa đổi vào cuối năm nay, sau đó tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 4-2014 và bầu cử tổng thống vào mùa hè. Không biết lộ trình này có diễn ra suôn sẻ hay không nhưng chắc chắn một điều Ai Cập vẫn sẽ phải đối mặt với bạo lực lan rộng trong thời gian tới./.