Dưới thời của tân Tổng thống gây nhiều tranh cãi của Mỹ, Donald Trump, những kịch bản khó nghĩ đến nhất đều đang có nguy cơ trở thành sự thực. Một trong số đó là việc có thể bùng nổ một cuộc chiến thương mại với nước Đức, một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất với nước Mỹ tại Châu Âu.

Nguy cơ này không đơn giản chỉ là những lời đồn đoán mà đã hiển hiện thành các lời đả kích qua lại lẫn nhau. Bắt đầu bằng tuyên bố gây sốc của ông Donald Trump chỉ vài ngày trước khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, rằng “có thể sẽ đánh thuế 35% đối với ô tô Đức sản xuất ở Mexico nhập vào Mỹ”. Đến cuối tháng 1/2017, đến lượt Peter Navarro, nhân vật được ông Trump bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thương mại quốc gia Mỹ, chỉ trích nước Đức cố tình hạ thấp giá trị đồng euro để “bóc lột” các đối tác Châu Âu và Mỹ.

0_bfnb_whce.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Từ chỗ im lặng và phản ứng dè dặt, người Đức bắt đầu phản công, khởi đầu từ giới chủ công nghiệp, các quan chức chính phủ và tới hôm 6/2, đích thân nữ Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố “nước Đức sẽ trả đũa nếu Mỹ áp đặt các biện pháp bảo hộ như tuyên bố”.

Kịch bản của một cuộc chiến thương mại không khoan nhượng giữa hai đồng minh hùng mạnh không còn là điều quá mơ hồ. Câu hỏi đặt ra là, nước Đức sẽ ra sao nếu ông Donald Trump thực sự hành động như tuyên bố?

Sân sau Mexico

Lời đả kích ban đầu của ông Donald Trump xuất phát từ một phần thực tế: các hãng xe Đức đang có những ngày dễ chịu trên đất Mỹ. 850.000 chiếc xe hơi Đức được bán mỗi năm trên đất Mỹ, tăng gấp 4 lần so với cách đây 7 năm. Chưa hài lòng với các nhà máy đặt trên đất Mỹ, những nhà sản xuất xe hơi Đức còn tìm xuống phía Nam để tối đa hoá lợi nhuận xuất khẩu xe vào Mỹ.

Các hãng xe lớn nhất nước Đức, như Mercedes, BMW và Volkswagen đều đang đầu tư mạnh để biến Mexico thành hậu cứ vững chắc. BMW đang xây dựng một nhà máy sản xuất ở San Luis Potosi và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2019. Daimler hợp tác với Renault-Nissan xây một nhà máy khác ở Aguascalientes để từ 2018 sẽ sản xuất các dòng xe hạng sang. Và mới đây, vào tháng 9/2016, Volskwagen vừa khai trương một nhà máy chuyên sản xuất Audi Q5 để xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ.

Những lời đe doạ của ông Donald Trump, vì thế, đều nhắm đến những dự án rất cụ thể, và hậu quả nếu xảy ra, cũng không khó để định lượng.

Nếu Mỹ áp thuế 35% với xe Đức nhập vào Mỹ, ngành công nghiệp xe hơi Đức sẽ chịu tổn thất nặng nề. Mỗi năm, doanh số xe Đức xuất khẩu sang Mỹ ở mức 32 tỷ euro và theo Viện kinh tế Kiel (Đức), có tới 200.000 lao động Đức phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu xe hơi Đức sang Mỹ. Bất cứ biến động nào trong ngành công nghiệp ô tô Đức đều sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Bóng ma thời Thế chiến

Nhưng với thị trường Mỹ, nước Đức không chỉ xuất khẩu mỗi ô tô. Mỹ là khách hàng lớn nhất của nền công nghiệp Đức, chiếm tới 10% tổng xuất khẩu công nghiệp của Đức năm 2016, tương đương 143 tỷ euro với thặng dư thương mại nghiêng mạnh về Đức (56 tỷ euro). Vì thế, sau ngành công nghiệp ô tô, nhiều ngành thế mạnh khác của Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu ông Donald Trump thực thi chính sách bảo hộ: công nghiệp chế tạo máy (xuất khẩu 21 tỷ euro/năm vào Mỹ), dược phẩm (12 tỷ euro) hay điện tử (9 tỷ euro).

Đó là lí do mà rất nhiều người Đức đang lo lắng một cách thực sự. Chủ tịch Viện kinh tế Berlin (DIW), Marcel Fratzscher tuyên bố trên tờ Frankfurter Allgemeine Soontagszeitung: “Cần phải thừa nhận thực tế khó khăn này: chúng ta đang bị đe doạ bởi một cuộc chiến thương mại với Mỹ”.

Tờ báo có trụ sở ở trung tâm tài chính Frankfurt hôm 29/1 cũng đã thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn với các nhà kinh tế và chủ doanh nghiệp Đức khác và hầu như tất cả đều có chung nhận định: nền kinh tế Đức sẽ hứng chịu hậu quả đáng kể nếu ông Donald Trump thực thi chính sách bảo hộ.

Clemens Fuest, Chủ tịch Viện Munich Ifo, ước tính sẽ có khoảng 1,6 triệu lao động phải gánh chịu hậu quả nếu Mỹ-Đức bùng nổ chiến tranh thương mại, trong đó 1 triệu người làm việc trong các ngành xuất khẩu của Đức và 600.000 người làm việc trong các công ty Mỹ hoạt động tại Đức, những người chắc chắn sẽ là nạn nhân khi nước Đức tiến hành trả đũa.

Nhưng, đi xa hơn các con số thiệt hại về kinh tế, là sự xói mòn của mối quan hệ kinh tế-chính trị giữa hai đồng minh thân cận của thế giới phương Tây, trong thời đại mà sự liên kết giữa các thực thể kinh tế giữa Mỹ và Đức đang tồn tại ở mức đôi khi không thể tách rời. Tất cả các tập đoàn lớn của Đức đều có hội sở ở Mỹ và có tới 3.500 chi nhánh của các công ty Đức nằm trên đất Mỹ.

Những công ty như SAP có số nhân viên ở Mỹ còn lớn hơn tại Đức hay BMW xây nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất là trên đất Mỹ, tại bang Nam Carolina, chứ không phải trên đất Đức. “Không có một sản phẩm Đức nào là toàn bộ của Đức, cũng như không có sản phẩm Mỹ nào là toàn bộ của Mỹ” - Marcel Fratzscher kết luận.

Dennis Snower, Chủ tịch Viện kinh tế thế giới ở Kiel, thì còn đi xa hơn khi so sánh sự căng thẳng hiện nay với bối cảnh thế giới những năm giữa hai cuộc Thế chiến I và II, khi các xung đột về thương mại dẫn đến các xung đột về chính trị tàn khốc. “Chúng tôi đã rút ra những bài học cay đắng từ kinh nghiệm này, nhưng ông Donald Trump thì không. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà trật tự thế giới tự do bị đặt dấu hỏi” – Snower nhận định.

Nếu đặt so sánh này của Snower cạnh những lời công kích khác mà chính quyền mới và bản thân ông Donald Trump tung ra nhằm vào nước Đức, vào bà Angela Merkel, vào sự “lỗi thời” của NATO, vào sự trì trệ của EU... thì những lo lắng về sự quay lại của bóng ma quá khứ không hẳn là hoàn toàn phi lý./.