Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến công du thứ 2 tới Đức kể từ khi nhậm chức hồi giữa năm ngoái. Chuyến thăm được hai nền kinh tế lớn hàng đầu châu Âu kỳ vọng sẽ kiến tạo được một tương lai đổi mới và cải cách cho khu vực châu Âu trong bối cảnh mới.

phap_duc_frlp.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP)

Trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa vượt qua được cửa ải bế tắc chính trị kéo dài suốt 5 tháng qua và chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ 4, trọng tâm chuyến công du của Tổng thống Pháp Macron đến Berlin lần này phải kể đến là tham vọng cải tổ châu Âu như ông cam kết ngay từ khi đắc cử.

Đặc biệt, khi châu Âu vẫn đang tiếp tục đối diện hàng loạt thách thức như chia rẽ nội bộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hoài nghi châu Âu hay vấn đề "hậu Brexit", ông Macron kỳ vọng, sự tái hợp của hai nhà lãnh đạo hai quốc gia đầu tàu châu Âu có thể kiến tạo một tương lai khởi sắc cho khu vực.

Trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu mới đây cũng như trả lời báo chí, Tổng thống Pháp Macron khẳng định, đã đến lúc số phận châu Âu cần được định đoạt, và rằng, một chiến lược cải tổ sâu rộng châu Âu sẽ được Pháp và Đức sớm đưa ra.

Hôm thứ Ba vừa qua thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu có thể nói là rất mạnh mẽ trước Nghị viện châu Âu và đề cập rất nhiều đến việc xây dựng một tương lai khác biệt của Liên minh châu Âu.

Trên thực tế, bài phát biểu này gây tiếng vang lớn vì nó được thực hiện chỉ 3 ngày sau khi Pháp cùng Mỹ và Anh thực hiện cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, ngoài ra, đó cũng là lần đầu tiên ông Macron phát biểu trước Nghị viện châu Âu. Còn về nội dung của bài phát biểu thì không có gì mới, bởi nó chỉ nhắc lại các ý tưởng cải cách đầy tham vọng mà ông Macron đã đưa ra hồi cuối tháng 9/2017, ngay thời điểm kết thúc cuộc tổng tuyển cử liên bang tại Đức, như việc thành lập một ngân sách chung châu Âu cho 19 quốc gia thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lập ra một vị trí "siêu bộ trưởng Tài chính" của khu vực, hay tiến tới xây dựng quân đội chung châu Âu...

Và đó cũng là những nội dung mà ông Macron đưa ra bàn thảo với bà Merkel trong cuộc gặp tại Berlin. Mục đích chuyến đi của ông Macron đến Berlin là rất rõ ràng, đó là thúc giục chính phủ Đức của bà Angela Merkel nhanh chóng bắt tay vào thực hiện các ý tưởng cải cách cùng với Pháp, trong bối cảnh bế tắc chính trị tại nước Đức đã được tháo gỡ.

Các mong muốn cải cách cụ thể mà Pháp đặt ra và muốn nước Đức ủng hộ trước tiên là việc thiết lập một dạng như "quỹ tiền tệ" chung của châu Âu, sử dụng khoảng 500 tỷ euro trong Cơ chế bình ổn (EMS) của khối để kích thích đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là điểm đang gây tranh cãi mạnh nhất trong nội bộ chính trường Đức, với xu hướng rõ rệt đang nghiêng về phe thận trọng, không muốn nước Đức quá hào phóng với các cơ chế tài chính tại châu Âu.

Một trong những ý tưởng đáng chú ý của ông Macron là muốn đưa EU tiến lên phía trước thì những ai không đi theo con đường này sẽ phải chấp nhận ở "bên lề" châu Âu.

Tổng thống Pháp đang nhắc lại ý tưởng về việc xây dựng một châu Âu "hai tốc độ" hay thậm chí là nhiều tốc độ. Cụ thể, từ khi lên làm Tổng thống Pháp thì ông Emmanuel Macron luôn cho rằng với việc châu Âu có 27 thành viên như hiện nay và các quyết định đều phải thông qua với cơ chế đồng thuận, tức 1 thành viên có thể phong toả quyết định của cả khối, thì châu Âu sẽ rất khó đưa ra được các quyết định táo bạo mang tính cải cách.

Vì thế, Tổng thống Pháp cho rằng cần phải chia châu Âu ra thành các nhóm có trình độ phát triển và mức độ cam kết hội nhập vào khối khác nhau, ví dụ như nhóm các quốc gia sáng lập ra Liên minh châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy… sẽ là một nhóm trung tâm, còn lại là nhóm các nước gia nhập Liên minh muộn hơn, như nhóm Trung-Đông Âu hay nhóm Nam Âu.

Đây là một đề xuất gây ra nhiều tranh cãi của ông Macron bởi các thành viên Trung-Đông Âu như Ba Lan, CH Séc hay Hungary cho rằng như thế không khác gì xếp các nước này là thành viên hạng 2 của khối. Tất nhiên, lý lẽ mà ông Macron đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình, đó là các nước trong nội bộ Liên minh có trình độ phát triển không đồng đều nên không thể để tất cả cùng phát triển chậm lại.

Nhưng ý nghĩ sâu xa, thì có lần ông Macron đã tuyên bố: "Liên minh châu Âu không phải là cái chợ mà ai muốn làm gì thì làm", ám chỉ rằng các nước như Ba Lan hay Hungary đang có nhiều hành động đi ngược lại lợi ích và giá trị của khối. Những ai không muốn đi theo con đường đưa EU tiến lên thì phải đứng bên lề, cũng chính là để nói đến những thành viên Đông và Trung Âu này.

Có thể thấy quyết tâm của cả hai nhà lãnh đạo nhưng không thể phủ nhận, cả Đức và Pháp đều đang có những vấn đề nội bộ riêng, cùng lúc, châu Âu hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng, chia rẽ nội bộ, khó khăn về kinh tế, trắc trở hậu Brexit.

Sau cuộc gặp ở Berlin thì cả ông Macron lẫn bà Merkel đều không đề cập cụ thể những gì đã bàn bạc và những gì đã thống nhất hay còn tranh cãi. Cả hai đều tuyên bố rất chung chung rằng sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để đưa ra những cải cách tốt nhất cho lợi ích của Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, những lời nói này chỉ phản ánh thực tế là hiện tại giữa Pháp và Đức đang tồn tại rất nhiều trở ngại, mà đặc biệt là từ phía Đức. Nguyên nhân là vì tính từ thời điểm ông Macron đưa ra các dự án cải tổ châu Âu, tức tháng 9/2017, tương quan lực lượng trên chính trường Đức đã thay đổi khá nhiều.

Thế bế tắc chính trị kéo dài 5 tháng qua ở Đức đã làm suy yếu khá rõ vị thế của bà Merkel và vì thế mà hiện tại thì các phe bảo thủ ở Đức đang công khai phản đối khá mạnh các đề xuất cải cách châu Âu của ông Macron. Phe này cho rằng việc tạo ra ngân sách chung cho khối eurozone sẽ khiến Đức đánh mất chủ quyền.

Ngoài ra, việc chuyển nguồn lực tài chính từ Cơ chế bình ổn sang thành một dạng quỹ tiền tệ châu Âu phục vụ cho đầu tư trong khối cũng bị phản đối vì các chính trị gia Đức này lập luận rằng không muốn tiền của người đóng thuế Đức lại đi phục vụ cho các quốc gia vô kỷ luật về ngân sách như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha.

Thêm một yếu tố nữa khiến cho nhiệm vụ thuyết phục nước Đức của ông Macron thêm khó khăn, đó là vai trò của đảng Dân chủ xã hội SPD trong chính phủ liên minh tại Đức cũng bị giảm sút nên đảng này, vốn được coi là đồng minh với ông Macron tại châu Âu, không thể ủng hộ ông Macron mạnh như dự đoán ban đầu.

Mặc dù rất tham vọng và cũng nhận được nhiều sự chờ đợi tại châu Âu nhưng ở thời điểm này, các kế hoạch cải tổ châu Âu của ông Macron đang gặp trở ngại lớn từ phía Đức và bộ đôi Pháp-Đức cũng không hợp tác suôn sẻ như mong đợi trước kia. Chính phủ Đức nhiệm kỳ mới của bà Merkel đang rất thận trọng và bà Merkel cũng không còn đủ vị thế như trước, nên tiến trình cải tổ châu Âu sẽ còn rất gian nan./.

Brexit là cơ hội để cải tổ Châu Âu

VOV.VN - Brexit là cơ hội tốt không chỉ để trao đổi và thương lượng về mối quan hệ đối tác mới với Anh mà còn để khắc phục vấn đề hiện nay của châu Âu.