Theo các học giả, bản dự thảo này có nhiều điểm gây tranh cãi, trong khi các chính trị gia cho rằng dự thảo này sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Bảy tới. Đây là một nguyên nhân khiến chính quyền quân sự Thái Lan rất lo lắng trong việc đưa dự thảo hiến pháp mới ra trưng cầu dân ý.

Ông Sombat Thamrongthanyawong, một cựu thành viên của Hội đồng Cải cách Quốc gia chia sẻ rằng cấu trúc của Quốc hội đề ra trong dự thảo Hiến pháp là thiếu sót và lỗi thời, đồng thời đi ngược lại các nguyên tắc dân chủ.

qh_thailan1_mctl.jpg
Quốc hội Thái Lan. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong bản dự thảo Hiến pháp, Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan đã đưa ra đề nghị mỗi Đảng phải cung cấp một danh sách gồm ba ứng viên cho chức vụ Thủ tướng trước cuộc bầu cử. Sau đó, Quốc hội sẽ chọn ra Thủ tướng mới từ danh sách được đưa lên.

Ông Sombat cho rằng, quy định này là không phù hợp. “Những quy định trên chứng tỏ Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan không hiểu gì về hệ thống dân chủ,” ông nói.

Vị cựu thành viên của Hội đồng Cải cách Quốc gia Thái Lan cũng khẳng định rằng nếu dự thảo Hiến pháp mới được thông qua, nó cũng sẽ không giúp được gì nhiều cho sự hoạt động của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia khi hoạt động của tổ chức này luôn trì trệ trong 20 năm qua.

Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam đã có những động thái làm xoa dịu những lo ngại của dư luận về khả năng cuộc tổng tuyển cử sẽ phải dời lại đến tháng 11 sang năm.

Ông Wissanu cho biết, khung thời gian cho dự thảo Hiến pháp mới có thể sẽ được rút ngắn lại để tạo điều kiện cho cuộc bầu cử được tổ chức sớm hơn nếu Ủy ban soạn thảo hiến pháp Thái Lan ưu tiên hơn đến những điều luật có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử./.