Thượng viện Mỹ hôm 17/5 đã bỏ phiếu thông qua dự luật gây tranh cãi cho phép các nạn nhân của sự kiện11/9/2001khởi kiện Saudi Arabia vì vai trò (bị cáo buộc) của nước này trong vụ tấn công khủng bố được xem là đẫm máu nhất nhằm vào nước Mỹ.

tan_cong_11_9_anti.jpg
Vụ tấn công 11/9. Ảnh: alalam.

Dù vẫn cần phải được Hạ viện thông qua, song văn kiện có thể làm quan hệ ngoại giao giữa hai nước vốn vẫn được xem là đồng minh quan trọng trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực nổi sóng.

Với đa số phiếu ủng hộ, Thượng viện Mỹ hôm qua (17/5) đã nhất trí thông qua dự luật cho phép những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 kiện chính phủ Saudi Arabia để đòi bồi thường tổn thất. Chính phủ Saudi Arabia lâu nay vẫn phủ nhận mọi dính líu trong vụ khủng bố được xem là đẫm máu nhất nhằm vào nước Mỹ, song 15 trong số 19 tên không tặc thực hiện vụ tấn công được xác định là công dân Saudi Arabia.

Để có hiệu lực, văn kiện còn phải được Hạ viện thông qua và Tổng thống ký phê chuẩn. Dù Chủ tịch Hạ viện Paul  Ryan tới nay còn do dự đối với dự luật, song khả năng Hạ viện, với đảng Cộng hòa chiếm đa số, thông qua vẫn là rất cao.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn dự luật, đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ Mỹ sẽ phản đối đến cùng nhằm ngăn chặn nguy cơ chính nước Mỹ sẽ bị khởi kiện.

Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnet nói: “Luật này sẽ thay đổi luật pháp quốc tế truyền thống đối với quyền miễn trừ của các Nhà nước. Và Tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục lo ngại văn kiện một khi được thông qua sẽ khiến nước Mỹ trở nên dễ bị tấn công hơn trong các hệ thống tư pháp khác tại khắp nơi trên thế giới.”

Trên thực tế, từ khi xuất hiện thông tin về dự luật này, đã có nhiều ý kiến lo ngại về mối quan hệ vốn không hề đơn giản giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Chính phủ Saudi Arabia từng không ngần ngại cảnh báo sẽ bán hàng trăm tỷ USD công trái cùng nhiều tài sản khác tại nước Mỹ nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật. Đây được xem là một thách thức không hề nhỏ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi nhiều hồ sơ nóng của Mỹ tại Trung Đông rất cần sự hỗ trợ của Saudi Arabia, một quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực  và  có một vị trí không nhỏ trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama.

Đây cũng là một phần lý do chuyến thăm Saudi Arabia hồi giữa tháng 4 vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama và tại đây ông Obama đã nhiều  lần nhấn mạnh sự hợp tác, cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, mà Saudi Arabia là một thành viên nòng cốt: “Chúng ta vẫn đoàn kết trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang đặt ra mối nguy cơ cho tất cả chúng ta. Mỹ sẽ hỗ trợ các đối tác Hội đồng hợp tác vùng Vịnh để đảm bảo sự phối hợp trong các chiến dịch đặc biệt của họ và các quốc gia Hội đồng  hợp tác vùng Vịnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường sự đóng góp vào cuộc chiến chống IS, cũng như cho  liên minh quốc tế chống IS.”

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, trong bối cảnh Trung Đông nhiều biến động như hiện nay, sự kiện 11/9/2001 chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi sóng ngầm trong quan hệ Mỹ- Saudi Arabia vốn âm ỉ từ lâu và chỉ đợi cơ hội để bùng phát. Chính vì thế, quan hệ Mỹ- Saudi Arabia được dự báo còn nhiều biến động trong thời gian tới, nhất là khi chỉ còn vài tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ./.