Các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) mong đợi tân Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia sẽ có những thay đổi trong chính sách dầu mỏ nhằm giảm nguy cơ giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, những hy vọng này đã nhanh chóng bị dập tắt sau khi Saudi Arabia phát tín hiệu sẽ không có thay đổi về chính sách dầu lửa của nước này. 

opec_rwxz.jpg
Số phận của OPEC đang phụ thuộc rất nhiều vào chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh minh họa Reuters

Ngày 8/5, trong ngày làm việc đầu tiên, tân Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Al-Falih tuyên bố, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này sẽ duy trì chính sách dầu lửa ổn định và đóng vai trò là nhà cung cấp năng lượng tin cậy trên thế giới.

Tuyên bố này của tân Bộ trưởng dầu lửa Saudi Arabia đã củng cố nhận định của giới phân tích rằng, chính sách dầu lửa của Saudi Arabia sẽ vẫn ưu tiên bảo vệ thị phần, hơn là giảm sản lượng để nâng giá dầu.

Do vậy, nhiều khả năng Saudi Arabia sẽ giữ nguyên sản lượng dầu thô ở mức cao gần kỉ lục như hiện nay và theo đuổi việc bảo vệ thị phần nhằm đánh bại các đối thủ sản xuất dầu đá phiến có chi phí cao.

Từ năm 2014, Saudi Arabia dùng chiến thuật lấy sản lượng bù đắp cho giá bán thấp và đã thành công trong việc đánh bật một số hãng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường. Tuy nhiên việc này cũng góp phần làm gia tăng tình trạng dư thừa nguồn cung dầu lửa trên toàn cầu.

Trước đây, dưới sự chèo lái của Saudi Arabia, mỗi khí giá dầu xuống thấp thì các thành viên OPEC nhất trí giảm sản lượng. Gần đây nhất vào năm 2008, khi OPEC cắt giảm sản lượng thì giá dầu nhanh chóng bật tăng từ dưới 40 đôla/thùng lên trên 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, Saudi Arabia cho rằng, biện pháp đối phó này không còn hiệu quả bởi thị trường dầu lửa có những thay đổi căn bản: sự xuất hiện của dầu cát từ Canađa, dầu đá phiến từ Mỹ....

Đại diện của Saudi Arabia tại OPEC, al-Madi nói:  “OPEC cần nhận thức một thực tế là thị trường đã trải qua những thay đổi về cơ cấu, bằng chứng là thị trường dầu mỏ trở nên cạnh ranh hơn là giữ thế độc quyền như trước đây. Thị trường đã thay đổi lớn kể từ giai đoạn giá dầu cao từ năm 2010-2014 và thách thức mà OPEC cũng như các nước nằm ngoài OPEC đối mặt hiện nay là phải nắm bắt diễn biến thị trường và đưa ra các biện pháp ứng phó”.

Các thành viên OPEC như Venezuela, Nigeria vẫn kêu gọi OPEC quay trở lại cách thức giảm sản lượng để cân bằng cung-cầu. Song Saudi Arabia cùng các đồng minh ở vùng Vịnh Persia như Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc ArabThống nhất vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng, việc giảm sản lượng chỉ hỗ trợ cho các công ty dầu khí Mỹ bởi hiện nay tại Mỹ chỉ có giá dầu cao mới có khả năng duy trì sản xuất cho các giàn khoan của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, với những suy luận này, tại cuộc họp vào ngày 2 tháng 6 tới, các thành viên của OPEC sẽ khó đạt được đồng thuận về giảm sản lượng khai thác, đặc biệt là Saudi Arabia và đối thủ Iran luôn dùng dầu lửa làm công cụ chính trị, đặt lên trên lợi ích kinh tế. OPEC sẽ bị chia rẽ sâu sắc hơn nữa trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng giá dầu. Trước đó, tại cuộc họp vào tháng 4 vừa qua, OPEC cũng không đạt được sự nhất trí về sản lượng khai thác./.