Ngày 29/1, Bản dự thảo Hiến pháp mới của Thái Lan được công bố nhưng ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối từ dư luận. Nguy cơ về việc không thể thông qua dự thảo Hiến pháp mới khiến cuộc bầu cử dân sự tại Thái Lan dự kiến diễn ra vào giữa năm 2017 sẽ không thể thực hiện.
thai_lan_evem.jpg
Ông Meechai Ruchupan, Chủ tịch ủy ban soạn thảo Hiến pháp Thái Lan. Ảnh: Reuters 

Sau cuộc đảo chính vào năm 2014 tại Thái Lan, đây là bản dự thảo Hiến pháp thứ hai được đưa ra và cũng như lần trước đó, nó bị phản đối một cách kịch liệt.

Những nhà phân tích lo ngại, cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới sẽ không thành công từ đó dẫn tới bản Hiến pháp chính thức thứ 20 của Thái Lan trong 84 năm sẽ không được thông qua. Kéo theo, cuộc tổng tuyển cử để trao quyền cho một chính phủ dân sự dự kiến được tổ chức vào năm 2017 sẽ không thể thực hiện được.

Cụ thể, các điều 259 và 260 trong tổng số 270 điều của dự thảo Hiến pháp mới gây tranh cãi bởi nó gắn liền với những yếu tố cần thiết để tổ chức một cuộc bầu cử dân sự. Theo nội dung của 2 điều này, cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng 150 ngày, hay 5 tháng, sau khi thi hành 10 luật cơ bản. Các nhà lập pháp sẽ tốn 8 tháng để soạn thảo chúng và mất 2 tháng nữa để Hội đồng Lập pháp Quốc gia Thái Lan (NLA) thông qua.

Kết quả, quá trình bầu cử có thể bắt đầu từ tháng 5 hoặc tháng 8/2017 và chính thức diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11/2017, muộn hơn khoảng 3 đến 6 tháng so với thời gian trong lộ trình của Hội đồng vì Trật tự và Hoà bình Quốc gia (NCPO).

Tuy nhiên, các mục cũng quy định rằng nếu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (CDC) không thể hoàn thành 10 luật cơ bản trong 8 tháng, cơ quan này sẽ bị giải thể và NCPO sẽ thành lập một CDC mới để tiếp tục công việc cho đến khi hoàn tất. Không có quy định về khung thời gian đối với CDC mới.

10 luật cơ bản liên quan tới: Uỷ ban Bầu cử, các đảng phái chính trị, bầu cử quốc hội, bầu cử Thượng viện, quy tắc tiền tệ và tài chính, các thủ tục của Toà án Hiến pháp, thủ tục tố tụng hình sự đối với người giữ chức vụ chính trị, uỷ ban phòng chống tham nhũng quốc gia, kiểm toán nhà nước và thanh tra.

Những điều khoản trên làm dấy lên mối quan tâm của giới quan sát chính trị, khi một cuộc bầu cử mới có thể bị trì hoàn đến năm 2018, thậm chí là lâu hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Meechai Ruchupan, Chủ tịch ủy ban soạn thảo Hiến pháp khẳng định, việc cuộc bầu cử có thể bị trì hoãn là không có bất cứ một ý đồ và sức ép nào từ chính quyền quân sự hiện tại.

Việc cho ra mắt bản dự thảo Hiến pháp mới và lấy ý kiến của người dân trước khi bước vào cuộc trưng cầu dân ý là một nỗ lực của CDC. Nhưng nó vẫn chưa phải là thứ có thể giải quyết ổn thỏa các bất đồng chính trị hiện đang tồn tại ở xứ Chùa Vàng. 

Đơn cử như ý kiến của chính trị gia Worachai Hema thuộc đảng Pheu Thai, thì rõ ràng dự thảo đặt ra nhằm giúp chính quyền quân sự có thể duy trì quyền lực. Ông nghi ngờ rằng sau khi nó bị từ chối, NCPO sẽ sử dụng quyền lực theo điều 44 của Hiến pháp tạm thời để tổ chức bầu cử và tất nhiên chính phủ sẽ kiểm soát.

Viễn cảnh về một cuộc bầu cử dân sự không thể diễn ra đúng thời hạn tại Thái Lan là có và điều duy nhất có thể kiềm chế những hành động xung đột của các bên là kinh tế, xã hội của Thái Lan kể từ khi chính phủ quân sự lên nắm quyền vẫn đang rất ổn định./.