Báo Thairat có bài bình luận cho rằng, Hội đồng cải cách quốc gia có nhiệm vụ tiến hành cải cách trên mọi lĩnh vực về chính trị - kinh tế - xã hội. Do đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ochan với tư cách là người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia cần phải trả lời cho dư luận xã hội Thái Lan biết, vì sao trong danh sách Hội đồng cải cách quốc gia lại có nhiều nhân vật là cựu Thượng Nghị sỹ hoặc các nhà hoạt động xã hội có xu hướng chống cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hoặc tham gia vào cuộc biểu tình của ông Suthep Thaugsuban chống Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra trong thời gian vừa qua.
Nếu Thủ tướng Prayuth không có câu trả lời thỏa đáng, làm hài lòng đa số dư luận thì tiến trình cải cách sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Báo chí Thái Lan cũng trích dẫn phát biểu của một số thành viên Đảng Vì nước Thái lo ngại việc nhiều thành viên Hội đồng cải cách quốc gia có quan điểm tư duy theo "lối cũ" mang nặng định kiến, thiên vị; điều đó sẽ khiến các nội dung cải cách khó được sự chấp nhận của tất cả các phe phái và các tầng lớp xã hội.
Trong khi đó, ông Jatuporn, Chủ tịch Mặt trận dân chủ chống độc tài (tức phe Áo đỏ) cho biết, phe Áo đỏ không quan tâm nhiều đến thành phần của Hội đồng cải cách quốc gia, nhưng họ sẽ theo dõi sát tiến trình và nội dung cải cách; đặc biệt là việc soạn thảo Hiến pháp mới của Thái Lan.
Về phía Chính phủ Thái Lan, ông Wissanu, Phó Thủ tướng phụ trách về pháp luật nhận định, trong thời gian hơn 1 năm, tiến trình cải cách sâu rộng khó có thể hoàn tất. Do đó Hội đồng cải cách quốc gia sẽ tập trung vào việc ban hành Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới, khắc phục những điểm yếu của hệ thống quản lý điều hành đất nước cũng như giải quyết các mâu thuẫn chính trị trước đây.
Tiến trình cải cách sẽ được chính quyền sau tổng tuyển cử tiếp tục thực hiện. Phó Thủ tướng Wissanu hy vọng tiến trình cải cách sẽ tạo ra một Chính phủ vững mạnh trong tương lai; song ông cũng lo ngại có thể sau cuộc tổng tuyển cử mới, Thái Lan sẽ lại xuất hiện những mâu thuẫn chính trị - xã hội mới./.