Từ hơn 1 tháng qua, báo chí, cũng như giới chuyên gia và chính trị quốc tế liên tục bày tỏ lo ngại trước những động thái gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục đưa ra những lý lẽ trái thực tế, không có cơ sở pháp lý quốc tế nhằm yêu cầu chủ quyền đối với  quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

trung-quoc_mjwo.jpg 

 Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu Việt Nam (Ảnh: AP)

Trong một phát biểu về chính sách đối ngoại của Mỹ tại thủ đô Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice hôm qua (11/6), kêu gọi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử nhằm kiềm chế các hoạt động hàng hải của Trung Quốc. Theo bà Rice, an ninh khu vực phải được đảm bảo dựa trên việc xác định và duy trì các quy tắc về chia sẻ không gian. Chỉ có như thế mới ngăn chặn được các hành vi gây căng thẳng, cũng như khả năng các nước lớn “uy hiếp” các nước nhỏ hơn và tạo cơ hội để giải quyết xung đột hòa bình.

Cùng ngày, Nhật Bản và Australia ra tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế,  nhất trí phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực. Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước tại thủ đô Tokyo, Ngoại trưởng Australia, Julie Bishop lên án mạnh mẽ các hành động khiêu khích, hăm dọa liên quan những tranh chấp trên Biển Đông.

Bà Bishop nói: “Chúng tôi không chấp nhận bất kỳ hành động đơn phương nào dẫn đến việc thay đổi nguyên trạng trên biển Hoa Đông. Chúng tôi lên án hành động khiêu khích hoặc hăm dọa liên quan những tranh chấp trên Biển Đông”.

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giành khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014, dư luận quốc tế đã liên tục thể hiện sự ủng hộ đối với chủ trương của Việt Nam tìm kiếm các biện pháp hòa bình, theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế để giải quyết căng thẳng, đồng thời đề nghị Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, dừng và kiềm chế các hành động gây phức tạp tình hình.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục những hành vi khiêu khích trên vùng biển của Việt Nam gây thiệt hại về phương tiện và đe dọa đến tính mạng con người. Thậm chí, mới đây Trung Quốc còn trình lên Liên Hợp Quốc các tài liệu vu cáo Việt Nam sau khi Việt Nam gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc.

Liên quan tới vấn đề này, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc) hôm qua dẫn phân tích của  thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio cho rằng, Trung Quốc luôn miệng nói có “bằng chứng lịch sử” để chứng minh tuyên bố “đường lưỡi bò”, nhưng chính những tấm bản đồ cổ của nước này đã phản bác lại các tuyên bố chủ quyền phi lý đó.

Song song với những hành vi hung hăng trong vùng biển Việt Nam, ngày càng có nhiều dấu hiệu và bằng chứng cho thấy xung quanh giàn khoan Hải Dương - 981, Trung Quốc đang khẩn trương thực hiện ý đồ lấn biển, xây đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa.

Hãng thông tấn Bloomberg hôm qua dẫn lời các quan chức Philippines tố cáo Trung Quốc đang tiến hành xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời có nhiều động thái chuẩn bị cho việc xây dựng tại đảo đá Ga Ven và đá Châu Viên.  Tờ báo bình luận: “Cát, xi măng, gỗ và bê tông là những công cụ mới nhất trong kho “vũ khí” nhằm phục vụ tham vọng thay đổi hiện trạng biển Đông của Trung Quốc”.  

Các chuyên gia quốc tế cảnh báo, âm mưu xây dựng phi pháp ở Trường Sa của Trung Quốc nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa, “tạo sự đã rồi” để hợp lý hóa sự hiện diện trên các khu vực nước này cưỡng chiếm ở Biển Đông.

Ông Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Chính sách quốc tế Lowy, Australia thậm chí còn cho rằng, nếu đạt được ý đồ trong việc xây dựng, thay đổi hiện trạng ở Trường Sa thì Trung Quốc có thể sử dụng biện pháp này như một hình mẫu để lấn tới tại các khu vực tranh chấp khác./.