Hôm nay (2/2), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, nước này sẽ xem xét các biện pháp sử dụng quân đội để giải cứu công dân của mình, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng con tin tương tự như vụ Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết 2 con tin Nhật Bản. Tuyên bố của ông Abe một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về việc binh sĩ Nhật Bản có thể hoạt động ở nước ngoài hay không.
Phát biểu trước Ủy ban Quốc hội sau khi IS tuyên bố hành quyết con tin người Nhật thứ 2 là nhà báo Kenji Goto, Thủ tướng Abe thể hiện mong muốn Quốc hội Nhật Bản trong năm nay sẽ dỡ bỏ lệnh cấm binh sĩ nước này chiến đấu ở nước ngoài để giúp các đồng minh đối phó với những vấn đề an ninh.
Vốn vẫn được biết đến là Lực lượng phòng vệ tập thể, do đó thay đổi này của Nhật Bản sẽ là thay đổi chính sách lớn nhất trong 60 năm qua, kể từ khi lực lượng vũ trang Nhật Bản được tập hợp từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Nhà phân tích chính trị Koichi Nakano tại Đại học Sophia ở thủ đô Tokyo cho rằng: “Dư luận Nhật Bản có sự phân cực thực sự cho tranh cãi này. Người dân có quan điểm khác nhau về “vai trò của binh sĩ Nhật Bản với các vấn đề quốc tế”. Tôi cho rằng nhiều người sẽ đổ lỗi cho Thủ tướng Abe trước tiên, cho rằng ông đã dẫn tới cuộc khủng hoảng con tin này. Song cũng có những người đồng ý với ông Abe và lập luận rằng, đây là lý do tại sao Nhật Bản phải làm hơn nữa để chống lại chủ nghĩa khủng bố”.
Tại thủ đô Tokyo, nhiều người dân đã lên tiếng về vấn đề này. Họ thể hiện quan điểm rất rõ ràng của mình. Có người đồng tình, song cũng có người lại coi việc sử dụng quân đội sẽ là chất xúc tác của bạo lực.
Chị Yui Bonkohara, 21 tuổi, nói: “Tôi không muốn Nhật Bản tăng cường sức mạnh quân sự và sử dụng nó như một chất xúc tác”.
Sau vụ khủng hoảng con tin tồi tệ và đe dọa của IS đưa Nhật Bản vào danh sách mục tiêu khủng bố, Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh siết chặt các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ công dân nước này cả ở trong và ngoài nước. Các cơ quan an ninh Nhật Bản sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn ngay từ biên giới, cửa khẩu như các cảng hàng không, cảng biển để rà soát, ngăn chặn mọi sự xâm nhập vào Nhật Bản của thành viên các tổ chức khủng bố.
Các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người Nhật Bản tại nước ngoài cũng được triển khai, như tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh cho các trường học dành cho người Nhật Bản tại nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ liên kết với cộng đồng quốc tế nhằm siết chặt vòng vây đối với tổ chức IS.
Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra biện pháp cụ thể để thực hiện tuyên bố của Thủ tướng Abe về việc hỗ trợ tài chính nhằm giúp nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát các nước Trung Đông, áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn tài chính hỗ trợ khủng bố./.