Dư luận Mỹ tiếp tục dậy sóng sau khi tờ Washington Post ngày 4/12 đưa tin cho rằng, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mỗi ngày thu thập khoảng 5 tỷ dữ liệu nhờ theo dõi vị trí của ít nhất hàng trăm triệu chiếc điện thoại di động trên khắp thế giới, trong đó có rất nhiều người Mỹ.

nsa1.jpg
Dư luận Mỹ tiếp tục dậy sóng sau khi có tin NSA mỗi ngày thu thập khoảng 5 tỷ dữ liệu di động (Ảnh: New York Post)

Nhiều người dân Mỹ cho biết, họ thực sự bị sốc khi biết thông tin là cuộc sống riêng tư của họ đang bị xâm phạm.

Một người dân Mỹ nói: “Thật là kinh khủng. Đây là một sự xâm phạm quyền riêng tư. Chẳng lẽ đó là điều được quy định trong hiến pháp Mỹ hay sao? Nước Mỹ được tạo dựng từ cái gì? Chẳng phải là từ niềm tin và quyền riêng tư của người dân hay sao? Tôi hoàn toàn phản đối việc làm sai trái này.”

“Tôi thấy cả mặt xấu và mặt tốt sau thông tin này, cụ thể là cả sự vi phạm quyền riêng tư và cả vấn đề an ninh ở đây. Người dân Mỹ nên cất lên tiếng nói của mình. Mọi việc sẽ vẫn như cũ, trừ phi có hành động của cả người dân, và giới báo chí vì sự thật và vì  tự do của cá nhân”, công dân Mỹ này nói thêm.

Còn theo giới chuyên gia, Chính phủ Mỹ không có quyền thu thập thông tin cá nhân và định vị vị trí của người dân, việc thu thập dữ liệu chỉ nên áp dụng với một số đối tượng nhất định.

Ông Patrick Toomey, luật sư tổ chức Liên minh tự do dân sự Mỹ nói: “Theo tôi, chương trình giám sát  của Chính phủ chỉ nên nhằm vào một số cá nhân đặc biệt. Những người mà Chính phủ có sự quan tâm đặc biệt về mặt pháp lý như các đối tượng liên quan đến khủng bố hoặc các hoạt động tội phạm cũng như các yếu tố đặc biệt nào đó trên cơ sở lợi ích tình báo”.

Trước đó, tờ Washington Post trích dẫn các tài liệu của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ  Edward Snowden cho biết, trong số các hoạt động do thám của Mỹ bị tiết lộ tính đến thời điểm này, chương trình giám sát điện thoại di động là lớn nhất về mặt quy mô và phạm vi.

Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ  mỗi ngày thu thập tới 5 tỷ dữ liệu về vị trí của điện thoại trên toàn thế giới. Dữ liệu được thu thập thông qua việc truy cập vào các đường cáp kết nối các mạng điện thoại di động cả của Mỹ và nước ngoài, trên toàn cầu, với sự trợ giúp của các công ty viễn thông.

 Thông tin thu được cho phép Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ theo dõi di chuyển của các cá nhân và dựa vào đó thiết lập một bản đồ mạng lưới các mối quan hệ của họ.

Tờ Washington Post cũng tiết lộ rằng, kho dữ liệu khổng lồ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ chứa thông tin về “ít nhất hàng trăm triệu điện thoại di động” trên thế giới và được bổ sung hàng tỷ thông tin mỗi ngày. Một báo cáo nội bộ của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ hồi tháng 5/2012 cho biết, lượng thông tin lưu chuyển trong chương trình đang “vượt quá khả năng xử lý và lưu trữ” của cơ quan này.

Theo bài báo, khối dữ liệu khổng lồ nhằm đảm bảo Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ không bỏ qua bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào.

Quy mô khổng lồ của chương trình do thám điện thoại một lần nữa làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư của người dân, đặc biệt là người dân Mỹ. Điều này đi ngược lại với những tuyên bố trước đó của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định rằng hoạt động tình báo của Mỹ chỉ nhằm vào các mục tiêu nước ngoài.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 5/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Chính phủ Mỹ đang cân nhắc một kế hoạch cải tổ sâu rộng Cơ quan An ninh quốc gia. Chính quyền Mỹ đang cố gắng thực hiện kế hoạch rà soát độc lập và thành lập một nhóm các luật sư, các nhà hoạt động tự do dân sự và các thành phần khác để kiểm tra những gì đang được làm vào tháng tới.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng sẽ yêu cầu Cơ quan An ninh quốc gia có những điều chỉnh trong hoạt động thu thập thông tin để củng cố niềm tin của người dân./.