Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mới đây có thừa nhận cơ quan ông tiến hành các chương trình thí điểm bí mật nhằm theo dõi chính xác vị trí các công dân Mỹ thực hiện các cuộc gọi điện thoại di động. Ông này còn nói rằng, các dữ liệu từ việc theo dõi như thế này “có thể sẽ trở thành 1 đòi hỏi trong tương lai đối với nước Mỹ”.
Tướng Keith Alexander, giám đốc NSA, cho biết các chương trình thí điểm từ năm 2010 đến 2011 nhằm mục đích thử nghiệm mức độ tương thích của dữ liệu địa điểm với các cơ sở dữ liệu của NSA, tuy nhiên chúng không được dùng vào bất cứ mục đích phân tích tình báo nào.
Ông Alexander cung cấp các thông tin trên cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ vào hôm 2/10.
Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper (trái) cùng với giám đốc cơ quan tình báo tín hiệu NSA Keith Alexander. Bộ đôi xuất hiện trước Quốc hội Mỹ nhằm kêu gọi không hạn chế quyền lực của cộng đồng tình báo Mỹ (ảnh: AP) |
Sự kiện này dù ít dù nhiều cho thấy NSA quan tâm đến khả năng xây dựng mạng lưới dữ liệu về vị trí người gọi điện – điều sẽ làm gia tăng đáng kể quyền năng theo dõi của tổ chức này.
Tuần trước, khi điều trần trước 1 ủy ban khác của Thượng viện, tướng Alexander đã lẩn tránh câu hỏi về việc NSA đã từng thu thập thông tin từ các trạm phát sóng điện thoại – 1 hoạt động giúp xác định chính xác chuyển động của 1 cá nhân nào đó. Động thái tránh trả lời của ông Alexander có thể là dấu hiệu cho thấy thông tin về hoạt động này thuộc dạng mật.
Trở lại hôm 2/10, khi bị 1 nghị sĩ chất vấn về việc NSA thu thập thông tin như vậy có phải để chống khủng bố hay không, Alexander nói rằng đây cũng là 1 khả năng, nhưng hiện giờ NSA chỉ thu thập các thông tin như vậy theo từng trường hợp cụ thể.
Ông Alexander cho biết cơ quan ông có trao đổi thông tin với FBI và nói rằng nếu phía FBI có đủ lý do biện minh cần thiết thì họ có thể nhận được dữ liệu địa điểm cụ thể về đối tượng gọi điện.
Sau buổi điều trần của tướng Alexander, đại diện của Liên minh các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) đã lên tiếng phản đối.
“Nỗ lực của NSA nhằm thu thập dữ liệu này cho thấy cần phải có các giám sát mạnh mẽ hơn nữa của khối lập pháp đối với các hoạt động của cơ quan NSA,” Christopher Calabrese, cố vấn lập pháp của ACLU nói. “Nhưng trên thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật của liên bang, bang và địa phương đã và đang thu thập thông về vị trí điện thoại di động mà không được phép… Năm ngoái, tòa án tối cao đã công nhận thông tin về vị trí là nhạy cảm, và chúng ta cần ban hành luật tôn trọng các quyền riêng tư liên quan đến sự đi lại của công dân Mỹ”.
Kêu gọi không giới hạn quyền của NSA và giới tình báo
Trong 1 sự kiện khác, cả tướng Alexander và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper kêu gọi Quốc hội Mỹ không vì chuỗi tiết lộ động trời của người thổi còi Edward Snowden mà hạn chế các quyền hạn của cộng đồng tình báo.
Cả hai ông này đều chỉ trích các bài báo, mà họ gọi là dẫn dụ sai và đe dọa an ninh quốc gia.
Tổng hành dinh NSA (ảnh: ABC News) |
Tuy nhiên trong diễn biến mới đây, chính họ bị cáo buộc là đánh lừa công chúng và họ đã buộc phải làm sáng tỏ chương trình theo dõi thí điểm địa điểm người gọi điện di động, cũng như nỗ lực của tình báo Mỹ trong việc thu thập lượng lớn dữ liệu mạng xã hội về các công dân nước ngoài.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Patrick Leahy, cũng phê phán chất lượng thông tin gửi cho các nhà lập pháp cao cấp như ông. Leahy nói, “Chúng tôi thậm chí thu thập được nhiều thông tin từ báo chí hơn là từ các thông báo mật mà các ông gửi cho chúng tôi”.
Ông Leahy, hiện đang soạn dự thảo cải cách hoạt động theo dõi của chính phủ Mỹ, đã gây sức ép lên 2 lãnh đạo tình báo Alexander và Clapper về tính chính xác trong các tuyên bố trước đó của họ.
“Cả hai ông đều bày tỏ quan ngại rằng tin tức truyền thông đưa về các chương trình theo dõi của chính phủ là không đầy đủ, không chính xác và gây hiểu lầm,” Leahy nói. “Nhưng tôi sợ rằng chính chúng tôi cũng đang phải nhận các báo cáo không chính xác và đầy đủ từ bên chính phủ”.
Chủ tịch Leahy phản bác việc các cơ quan tình báo liên tục tuyên bố họ đã vô hiệu hóa 54 vụ tấn công khủng bố thông qua 2 chương trình theo dõi cụ thể. Ông nói: “Không phải lúc nào đây cũng là âm mưu cả, và không phải tất cả đều bị chặn đứng. Người Mỹ vẫn chưa nhận được sự phản ánh chính xác về các chương trình theo dõi của NSA.”
Tướng Alexander bèn đấu dịu và thừa nhận 54 trường hợp được nêu ra không phải tất cả đều là “âm mưu” và chỉ có 13 trường hợp liên quan đến nước Mỹ. Ông cũng thừa nhận chỉ có 1 đến 2 trường hợp hoạt động khủng bố mà nếu không có khoản 215 của Đạo luật Yêu nước (cho phép thu thập hồ sơ cuộc gọi) thì đã không thể ngăn chặn thành công được.
Khi bị chất vấn liệu mình có thu thập dữ liệu để xây dựng “chân dung” các mạng xã hội hay không, tướng Alexander trả lời là “không”. Tuy nhiên, ông lại nêu thêm rằng NSA có thu thập thông tin “bổ trợ” theo sắc lệnh hành pháp 12333 nhằm kết nối các dữ liệu họ có với “các mạng xã hội ở hải ngoại”.
Ông cho biết sắc lệnh này vẫn hoạt động và không chịu cơ chế giám sát áp dụng cho các chương trình khác.
Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Leahy và Chủ tịch Tiểu ban Tội phạm và Khủng bố thuộc Hạ viện Mỹ Jim Sensenbrenner đang phối hợp soạn dự thảo hạn chế phạm vi theo dõi của giới tình báo Mỹ.
Dự thảo của họ nhằm chấm dứt hoạt động thu thập quy mô lớn các hồ sơ cuộc gọi được thực hiện dưới khoản 215 của Đạo luật Yêu nước và giới thiệu một số giải pháp giúp minh bạch hơn tòa án về đạo luật theo dõi tình báo đối ngoại. Dự thảo Leahy-Sensenbrenner có cơ hội vượt lên trên hàng chục dự thảo khác được đề xuất sau loạt tiết lộ thông tin mật của cựu nhân viên CIA Snowden.
Cả Leahy và Sensenbrenner đều là các chính trị gia có sức ảnh hưởng lớn trong giới chính trị. Sau loạt vụ tấn công khủng bố 11/9, ông Sensenbrenner đã giới thiệu Đạo luật Yêu nước, mà ông tố đã bị các cơ quan tình báo giải thích sai và lợi dụng để biện minh cho các hoạt động theo dõi vi phạm các quyền được quy định bởi Hiến pháp.
Lạm dụng thiết bị công vụ để theo dõi việc riêng
Trong khi đó một nghị sĩ Cộng hòa tên Chuck Grassley cho biết việc các nhân viên NSA “tận dụng” công cụ theo dõi rất mạnh của NSA để “giám sát chồng/vợ hoặc người yêu” đã làm dấy lên 1 cuộc “khủng hoảng niềm tin diện rộng” đối với cơ quan này.
Tướng Alexander, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA thuộc quân đội Mỹ (ảnh: Getty) |
Trong 1 vụ việc được Guardian nêu hồi tháng 9, bộ phận theo dõi nội bộ của NSA tiết lộ rằng, một nhân viên NSA đã bí mật chặn thu các cuộc gọi điện của 9 phụ nữ ngoại quốc trong 6 năm mà không hề bị các “sếp” phát hiện.
Sự việc chỉ vỡ lở sau khi 1 trong các phụ nữ này, tình cờ lại là nhân viên chính phủ Mỹ, nói với đồng nghiệp rằng chị ta nghi ngờ anh “bồ” của chị đang nghe lén cuộc gọi của mình.
Đây là 1 trong 12 trường hợp được nêu trong thư của Tổng Thanh tra NSA gửi cho 1 quan chức cấp cao Quốc hội. Đây mới chỉ là các trường hợp đã được điều tra và chứng minh.
Một trường hợp khác trong 12 trường hợp kể trên liên quan 1 quân nhân trong ngày đầu tiên được tiếp xúc với hệ thống thiết bị theo dõi đã thực hành luôn việc xem trộm 6 bức email của các cô bạn gái cũ.
Hồi 2011, một nhân viên NSA đã bị máy kiểm tra nói dối xác định là đã thu thập các chi tiết về các cuộc gọi của bạn gái “do tò mò”.
Trong khi đó, 1 nữ nhân viên NSA đã thú nhận nghe lén 1 số điện thoại lưu trong máy di động chồng mình do lo ngại anh này “không chung thủy”.
Một nữ nhân viên NSA khác khai với các nhà điều tra rằng cô thường xuyên dùng các thiết bị theo dõi của NSA để “thẩm tra” các số điện thoại của các những người cô gặp gỡ trong đời thường.
Các vụ sử dụng thiết bị nhà nước để thực hiện công việc cá nhân nói trên đã được khẳng định không phục vụ gì cho hoạt động tình báo của NSA cả.
Tuy nhiên các đối tượng vi phạm nói trên chỉ bị xử lý kỷ luật rất nhẹ; thậm chí nhiều người trong số họ đã xin nghỉ việc hoặc về hưu trước khi bị kỷ luật.
Tướng Alexander bào chữa rằng các vụ việc lạm dụng thiết bị của NSA là cực hiếm và thường là những lỗi không cố ý. Tuy nhiên người ta vẫn lo ngại 12 trường hợp bị phanh phui nói trên mới chỉ là đỉnh của tảng băng trôi./.