Trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)- diễn đàn đối thoại an ninh đa phương quan trọng nhất khu vực, sẽ khai mạc hôm nay (7/8) tại Manila.
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tại lễ khai mạc AMM-50 |
Văn kiện này sẽ giúp ASEAN và Trung Quốc tiến tới thương lượng một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất góp phần giảm bớt căng thẳng và duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông trên cở sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hầu hết các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 50 và các hội nghị liên quan mấy ngày qua đề cập đến những vấn đề khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng đều chia sẻ quan ngại về các thách thức an ninh chung ở khu vực, cả truyền thống và phi truyền thống, trước hết là vấn đề an ninh hàng hải.
Là khu vực có một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới nên ASEAN phải đối mặt với không ít thách thức trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các vùng biển này. Trong đó phải kể đến sự gia tăng của các hoạt động cướp biển và tấn công vũ trang trên biển.
Những diễn biến phức tạp gần đây và hiện nay tại Biển Đông, bao gồm các hành động đơn phương như bồi đắp, cải tạo đất và quân sự hóa, làm sói mòn lòng tin và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Khu vực Đông Nam Á thời gian qua cũng là một điểm nóng của khủng bố, với việc chính nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Philipin cũng đang phải thực hiện một chiến dịch đối phó với các nhóm vũ trang tại miền Nam nước này.
Do đó, chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan là nội dung được đề cập nhiều trong các phiên họp của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN mấy ngày qua và sẽ tiếp tục làm nóng chương trình nghị sự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao Đông Á diễn ra hôm nay, với dự kiến sẽ ra một tuyên bố chung về chống tư tưởng cực đoan trong các nước EAS.
Nổi lên tại Hội nghị AMM 50 lần này đó là những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, gây quan ngại cho các nước thành viên ASEAN và các đối tác. Trong một nỗ lực thống nhất, các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố bày tỏ lo ngại về các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên dự kiến cũng nằm trong nội dung chính của Diễn đàn khu vực ARF, với sự tham dự của 27 Bộ trưởng, trong đó có các nước như Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc… Đây sẽ là cơ hội để các bên trao đổi trực tiếp những mối lo ngại và tìm các biện pháp tháo gỡ.
Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý
Hôm qua, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đây là một kết quả tích cực không chỉ của Hội nghị ASEAN- Trung Quốc diễn ra hôm qua, mà còn cả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 này.
Thông qua dự thảo Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) là một trong những mục tiêu của nước chủ nhà Philipines trong năm chủ tịch ASEAN 2017.
Thông qua dự thảo khung COC sẽ tạo cơ sở đi vào đàm phán thực chất
Việc thông qua Khung COC là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán tiếp theo về xây dựng văn kiện COC, góp phần duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực. Bước đi này của ASEAN và Trung Quốc ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của các nước ASEAN và đối tác.
Tại các cuộc họp diễn ra ngày hôm qua, các Bộ trưởng đều hoan nghênh việc hai bên nhất trí thông qua khung COC và mong muốn hai bên sớm tiến hành đàm phán thực chất để xây dựng một COC hiệu quả.
Mặc dù vậy, thực chất việc thông qua dự thảo Khung COC chỉ là sự khởi đầu tích cực cho tiến trình thương lượng sau này. Sau đó, các bên sẽ bước vào các cuộc đàm phán thương lượng khó khăn để văn kiện này thực chất và hiệu quả, giúp ngăn ngừa các diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước ASEAN hay giữa ASEAN với Trung Quốc trong việc thúc đẩy văn kiện này có tính ràng buộc về pháp lí, với sự tuân thủ nghiêm túc của các nước liên quan cũng sẽ là một thách thức không nhỏ.
Việc hoàn tất một COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý là điều mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN mong muốn, trong đó có nước chủ tịch ASEAN 2017 là Philipines, với tuyên bố mong muốn đây là một văn kiện COC thực chất, hiệu quả và có ràng buộc về pháp lí, một COC mà tất cả các nước cần phải tuân theo.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự cuộc họp cũng đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.
Với tuyên bố bên lề hội nghị hôm qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC sẽ bắt đầu vào năm nay và bày tỏ mong muốn sớm thúc đẩy hoàn tất văn kiện này, sẽ giúp các bên nỗ lực hơn nữa trong việc sớm đưa văn kiện này đi vào thực chất và hiệu quả.
Hội nghị AMM 50 đang bước vào những phiên thảo luận cuối cùng. Đây cũng là cơ hội để ASEAN nhìn lại chặng đường đã qua và bước tiếp về tương lai. Tuy nhiên, trước mắt ASEAN là các thách thức rất lớn, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh, ổn định và đoàn kết khu vực.
Đồng thuận sẽ giúp ASEAN vượt qua các thách thức an ninh khu vực. Đây cũng là một trong những nội dung mà Ngoại trưởng Philipin Peters Cayetano đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị đúng vào dịp ASEAN tròn 50 tuổi.
Đối thoại, đồng thuận, hợp tác và không can thiệp vào nội bộ của nhau
Theo ông Peters Cayetano, "Đối thoại, đồng thuận, hợp tác và không can thiệp vào nội bộ của nhau" là những nguyên tắc chủ chốt, đảm bảo sự thành công và ổn định của ASEAN trong suốt 50 năm qua.
Thực tế những nguyên tắc này đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức của ASEAN . Có thể nói cuộc chiến đối phó với chủ nghĩa khủng bố muốn đạt được hiệu quả, cần có có sự hợp chặt chẽ giữa các bên, chia sẻ thông tin tình báo, tăng cường hợp tác, xây dựng chiến lược chung . Trong việc giải quyết các thách thức an ninh hàng hải, các nước đều cam kết gia tăng nỗ lực đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao tính “tự cường” của ASEAN có thể giúp khối xử lý các thách thức. Tại các phiên họp, những nước đối tác đối thoại cũng luôn lên tiếng hoan nghênh và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Đề cập đến việc giải quyết các thách thức tại Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tại hội nghị, xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thoả đáng về Biển Đông, một mặt là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực; mặt khác chính là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
"Chúng ta đang cùng nhau trên một chuyến hành trình" – đó là khẳng định được nước chủ nhà ASEAN 2017 nhiều lần nhắc đến vào thời điểm vàng của ASEAN tròn 50 tuổi. Để chuyến hành trình đó thành công thì mỗi quốc gia thành viên cần đoàn kết, nêu cao tinh thần đồng thuận và trách nhiệm để giải quyết các thách thức./.AMM 50 nóng với vấn đề Biển Đông và tình hình trên bán đảoTriều Tiên