Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Khí hậu Petersberg 2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thích ứng biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo. Theo ông Guterres, sự thành công của Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26) phụ thuộc rất lớn vào việc tạo đột phá trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thế giới cần đảm bảo sự cân bằng giữa giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu và cả 2 hoạt động này đều cần đến sự hỗ trợ của tài chính và công nghệ cho các nước nghèo và đang phát triển.

“Tôi kêu gọi các nhà tài trợ và các ngân hàng phát triển đa phương đảm bảo ít nhất 50% hỗ trợ tài chính cho việc thích ứng và ứng phó biến đổi khí hậu. Và tôi yêu cầu các bạn hãy đưa ra các đề xuất thực tế đối với các nước đang phát triển và các quốc đảo nhỏ, cũng như các nước ít phát triển để giúp các nước này có cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính khí hậu dễ dàng hơn. Thành công của COP 26 phụ thuộc rất nhiều vào sự đột phá của thích ứng biến đổi khí hậu và nguồn tài chính”, Tổng thư ký Guterres nói.

Theo một nghiên cứu và khảo sát mới đây của tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch (Đức), kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại lên đến 2.560 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Những nước nghèo và những nước đang phát triển dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giải quyết những hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan và cần được hỗ trợ khẩn cấp về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, số tiền trợ giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu trên thực tế thấp hơn rất nhiều so với các cam kết được đưa ra.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nhiều nước trên thế giới, kể cả nước công nghiệp và các nước giàu, nguồn ngân sách dành cho các nước nghèo càng đứng trước sức ép lớn. Tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nước cần duy trì thực hiện các cam kết tài chính. Theo Thủ tướng Đức, thực hiện nghĩa vụ tài chính hỗ trợ các nước nghèo trong biến đổi khí hậu chính là mang lại lợi ích cho các thế hệ sau.

“Trong tình hình đại dịch, áp lực tài chính đối với các nước công nghiệp là rất lớn. Lỗ  hổng ngân sách cho biến đổi khí hậu là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta không được hạ thấp nỗ lực khi thực hiện trách nhiệm tầm quốc tế. Đây là nhiệm vụ lớn lao cần phải thực hiện”, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc đối thoại, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng thảo luận các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có đề xuất xây dựng một hệ thống định giá các-bon toàn cầu, xem đây là công cụ hữu hiệu cho việc kiểm soát lượng phát thải toàn cầu. Thủ tướng Anh Boris Johnson – nước chủ nhà hội nghị COP 26 đã kêu gọi các nước đưa ra những cam kết mạnh mẽ nhằm đối phó biến đổi khí hậu. Theo người đứng đầu nước Anh, nếu muốn nhiệt độ của hành tinh xanh có cơ hội giảm nhiệt, các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động quyết liệt hơn  tại hội nghị COP 26 sắp tới. Theo ông Johnson, hội nghị về biến đổi khí hậu cần đến những thỏa thuận, hành động, chứ không phải là những lời nói suông.

Hội nghị COP 26 theo dự kiến sẽ là thời hạn chót để gần 200 quốc gia trên thế giới đưa ra những cam kết mới về giảm lượng khí thải theo Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu. Những cam kết hiện nay của các nước đang khiến cho mức độ nóng lên trên toàn cầu vượt giới hạn mà giới khoa học cho là an toàn và có thể dẫn tới những hiện tượng thời tiết cực đoan như làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán, làm tăng mực nước biển, gây ra tình trạng sa mạc hóa và làm tuyệt chủng các loài động vật./.