Hôm 6/8, tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani tuyên bố Iran sẵn sàng đàm phán “nghiêm túc” với các nước phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này mà “không để lãng phí thời gian”.

Với tuyên bố này của tân Tổng thống Iran, cộng đồng quốc tế hy vọng cuộc "đối đầu" phương Tây và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran sẽ có nhiều thay đổi.

Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức hôm 4/8, Tổng thống Iran Rowhani nêu rõ: “Xem xét các vấn đề cốt lõi của Iran, theo luật pháp của quốc gia, chúng tôi sẽ không từ bỏ quyền của người dân Iran, nhưng chúng tôi cũng quyết tâm giải quyết bất đồng. Chúng tôi sẵn sàng bước vào các cuộc thảo luận nghiêm túc. Nếu các bên khác cũng sẵn sàng tham gia đàm phán, tôi tin tưởng rằng, những lo ngại từ cả 2 phía có thể giải quyết được thông qua thảo luận”.

hassan%20rowhani%20mim%20cuoi.jpg
Tân Tổng thống Iran Rowhani (ảnh: salon.com)

Ngay lập tức, phát biểu mang tính xây dựng này của tân Tổng thống Rowhani đã nhận được sự tán đồng của nhiều quốc gia.

Phía Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama sẵn sàng làm việc với Iran nếu chính phủ mới tham gia một cách "thực sự và nghiêm túc" để giải quyết những lo ngại xung quanh chương trình hạt nhân của Têhêran.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Paski nói: “Đây là cơ hội để Iran hành động một cách nhanh chóng nhằm giải quyết mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của họ. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, Iran cũng cần phải thực hiện các bước đi để đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế và tìm giải pháp hòa bình đối với vấn đề này. Hiện quả bóng đang nằm trong chân của họ”.

Cùng ngày, Nga tuyên bố rằng vòng đàm phán mới giữa Iran và các cường quốc về chương trình hạt nhân của Iran không nên bị trì hoãn lâu hơn nữa và cần diễn ra vào giữa tháng 9 tới.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Rome, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Italy, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của tân Tổng thống Iran về việc Iran sẵn sàng giải quyết các bất đồng xung quanh chương trình hạt nhân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những gì ông nói. Cũng như các vấn đề khác, vấn đề hạt nhân Iran cần phải được giải quyết không phải bằng việc đưa ra các tối hậu thư mà bằng việc tôn trọng lẫn nhau”.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng kêu gọi Tổng thống Iran Rowhani chuẩn bị “các cuộc đàm phán có ý nghĩa” về vấn đề hạt nhân càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, Israel, quốc gia thù địch với Iran, vẫn cho rằng ông Rowhani sẽ chẳng khác gì người tiền nhiệm trong vấn đề hạt nhân. Do vậy, ngay sau tuyên bố của Tân tổng thống Iran, Thủ tướng Israel Netanyahu đã kêu gọi gia tăng sức ép lên Iran và khẳng định đây là cách duy nhất có thể ngăn chặn nước này theo đuổi khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phát biểu tại cuộc gặp đại biểu nghị sỹ quốc hội Mỹ tại Jerusalem, ông Netanyahu nói: “Tổng thống Iran nói rằng không có áp lực trong vấn đề hạt nhân của nước này. Điều này không đúng. Điều duy nhất có tác dụng trong hai thập kỷ qua đó là áp lực. Do vậy, điều cần phải làm bây giờ đó là cần phải duy trì và gia tăng áp lực lên phía Iran.”

Kể từ năm 2012, nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã tiến hành bốn vòng đàm phán với Iran nhưng không mang lại tiến bộ đáng kể. Trong cuộc đàm phán gần đây nhất diễn ra hồi tháng 4, hai bên đã không đạt được thoả thuận nào.

Như vậy, với việc giáo sỹ Rowhani đắc cử Tổng thống Iran và có những tuyên bố cởi mở hơn đối với vấn đề đàm phán hạt nhân đã mở ra bước ngoặt mới đối với các cuộc đàm phán hạt nhân. Trong lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/8, tân Tổng thống Rowhani đã đề cập về "cuộc sống tốt hơn" trong một thế giới mà người dân Iran không bị cô lập và cam kết mục tiêu trong nhiệm kỳ là cải thiện đời sống của người dân, song song với việc phá vỡ thế cô lập nhằm vào Iran thông qua lệnh trừng phạt của các nước phương Tây.  

Giới quan sát cho rằng, với sự hậu thuẫn của các cựu Tổng thống Mohammad Khatami và Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, tân Tổng thống Rowhani sẽ dễ dàng hơn trong thực hiện các kế hoạch hướng đến loại bỏ tình cảnh đối đầu với phương Tây, mở ra một chương mới trong đàm phán hạt nhân giữa Iran và phương Tây./.