Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay (20/8) tới New York để trình đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc Iran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, dù nước này đã rút khỏi vào năm 2018. Đây là bước đi pháp lý đầu tiên của Mỹ trong nỗ lực kích hoạt cơ chế khôi phục trừng phạt chống Iran, dự báo có thể “giết chết” thỏa thuận hạt nhân lịch sử, gây chia rẽ giữa các cường quốc và thậm chí có thể khiến Mỹ bị cô lập hơn nữa.
Trong một phát biểu ngày hôm qua (19/8), Tổng thống Trump đã khẳng định quyền của bên tham gia ký kết, đồng thời một lần nữa chỉ trích thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 là một thỏa thuận “thảm họa” đối với nước Mỹ và thế giới.
“Chính quyền của tôi sẽ không cho phép tình trạng này tiếp diễn. Iran sẽ không bao giờ có được vũ khí hạt nhân. Tham gia ký thỏa thuận với Iran, cũng có nghĩa là Mỹ luôn có quyền khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Chúng ta đã phải trả giá đắt cho một thỏa thuận và một chính sách thất bại, một chính sách khiến cho hòa bình ở Trung Quốc trở nên không thể”, ông Trump nói
Từ nhiều ngày nay, Mỹ đã cảnh báo sẽ đơn phương tìm cách kích hoạt các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi hầu hết các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều bỏ phiếu chống lại việc kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên liệu Mỹ có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện một bước đi như thế hay không khi đã không còn tham gia thỏa thuận?
Theo Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, mọi bước đi của Mỹ nhằm khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo đều là “bất hợp pháp”, bởi chính nước này mới là bên không tôn trọng các cam kết.
Ngoại trưởng Javad Zarif nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều biết rằng bước tiếp theo của Mỹ là kích hoạt điều khoản về khôi phục cấm vận thức thời. Đây là điều mà nước này không có quyền, cũng như không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Nếu mọi chuyện quá dễ dàng, thì tại sao họ không làm điều đó vào hai năm trước hay thậm chí là ngay ngày hôm qua. Lý do là vì đây là một hành động hoàn toàn bất hợp pháp”.
Theo nghị quyết, những bên tham gia có thể đơn phương tố cáo một bên ký kết khác“không tôn trọng rõ ràng” các cam kết. Tiến trình chưa từng có này được cho là sẽ dẫn đến việc tái lập sau 30 ngày các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran. Lệnh cấm vận vũ khí cũng tự động được gia hạn. Trên thực tế, Tổng thống Trump đã tái áp đặt và thậm chí là gia tăng các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Không dừng lại ở đó, Mỹ muốn cộng đồng quốc tế cũng làm tương tự. Việc tăng tốc các bước đi vào thời điểm hiện nay được kỳ vọng không chỉ sẽ cho phép Nhà lãnh đạo Mỹ giành được chiến thắng mang tính biểu tượng tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hàng năm vào cuối tháng 9/2020, mà cả lợi thế quan trọng để bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020. Tuy nhiên chắc chắn Nga và Trung Quốc sẽ sử dụng quyền phủ quyết để phản đối.
Hơn nữa, việc Mỹ lấy lý do là một bên tham gia dù đã rút khỏi văn kiện năm 2018 để gửi đơn khiếu nại sẽ khó lòng được các đồng minh châu Âu chấp nhận. Một nguồn tin ngoại giao Pháp thậm chí còn thẳng thắn cho rằng, dù Mỹ đã bóp cò súng, song không có nghĩa là đạn sẽ được bắn ra.
Mỹ không có đủ cơ sở pháp lý để kích hoạt việc tái áp đặt trừng phạt hay cấm vận Iran. Và hệ lụy rõ ràng kéo theo đó sẽ là sự rạn nứt của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và sự hoài nghi ngày một lớn đối với vai trò của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc./.