Ngày 14/12, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift đã cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang trong tranh chấp ở Biển Đông gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực.
Bên cạnh đó, Đô đốc Scott Swift cũng thúc giục các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông, nhanh chóng giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm cả việc đưa ra phân xử tại cơ quan trọng tài quốc tế.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift. (ảnh: Getty). |
Trong một bài phát biểu tại Hawaii ngày 14/12, ông Swift nói ông cảm thấy lo ngại rằng, sau nhiều thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, giờ đây “chúng ta có thể phải đối mặt với việc quay trở lại cuộc cạnh tranh sức mạnh trong khu vực”.
Dùng sức mạnh quân sự để áp đặt chủ quyền lãnh thổ, quốc gia có thể làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ đó có thể nhấn chìm cả khu vực, ông Swift nhận định.
Đô đốc Swift nhấn mạnh: “Bên yêu sách và cả bên không có yêu sách (ở trong khu vực) giống như là đang dành phần lớn tài sản quốc gia nhằm phát triển lực lượng hải quân ở mức cao hơn cần thiết”.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông, nơi có lưu lượng giao thương với tổng giá trị 5.000 tỉ USD mỗi năm, 1/5 trong số đó đến từ Mỹ.
Theo hình ảnh vệ tinh, Bắc Kinh cũng đang xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trên các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa, trong đó bao gồm cả một đường băng dài 3.000m.
Cử tàu tuần tra Biển Đông là không cần thiết
Mới đây, phát biểu trước Diễn đàn Hợp tác Chiến lược trước nhà lãnh đạo đến từ các nước Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Đô đốc Swift cho biết, vào lúc này, việc điều tàu và chiến đấu cơ đến tuần tra ở khu vực tranh chấp nhằm cảnh báo trước những động thái của Trung Quốc là không cần thiết.
Trước đó, vào tháng 10 năm nay, Mỹ đã cử tàu khu trục tên lửa Lassen đi tới gần một trong các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trên Biển Đông.
Vào tháng 10 năm nay, Mỹ đã cử tàu khu trục tên lửa Lassen tuần tra Biển Đông. (ảnh: AP). |
Ngày 14/12, ba quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, hải quân Mỹ sẽ không thực hiện thêm một cuộc tuần tra nào khác trong năm nay xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo phi pháp.
Vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc
Nhằm phản đối các hoạt động xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc, Manila mới đây đã yêu cầu Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) tại La Hay khẳng định quyền của nước này đối với các khu vực bên trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường bờ biển Philippines, theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn liên tục bác bỏ thẩm quyền của tòa án và từ chối tham dự phiên tòa.
Tòa án vẫn có thể phán quyết trong trường hợp vắng mặt một bên liên quan (cụ thể ở đây là Trung Quốc) và mọi quốc gia là thành viên của UNCLOS đều có nghĩa vụ phải thực hiện phán quyết này
Đô đốc Hải quân Mỹ Scott Swift nhận định, vụ kiện Philippines- Trung Quốc có thể là cơ hội để tất cả các quốc gia thể hiện cách tiếp cận hợp pháp đối với sự phồn vinh trong khu vực./.