Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 1/9 xác nhận Tây Ban Nha đã triển khai những bước đi nhằm đặt ra ngoài vòng pháp luật hoạt động tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền ở vùng biển xung quanh vùng lãnh thổ Gibraltar của Vương quốc Anh. Động thái mới nhất này trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Tây Ban Nha và Vương quốc Anh rõ ràng là nhằm vào một trong những mũi nhọn kinh tế quan trọng nhất của Gibraltar.

gibraltar-ng.jpg
Vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Anh và Tây Ban Nha Gibraltar (Ảnh: Getty)

Sau nhiều tuần khẩu chiến với Tây Ban Nha, ngày 1/9, ngay tại phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè, Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố sẽ điều chỉnh luật môi trường để cấm hoạt động tích trữ và tiếp nhiên liệu ở những vùng biển "được bảo vệ".

Theo quan điểm của Tây Ban Nha, biện pháp này có thể tác động trực tiếp đến Gibraltar, bởi Liên minh châu Âu (EU) từng tuyên bố rằng phần lớn những vùng biển xung quanh vùng lãnh thổ này là "khu vực cần được bảo vệ". Việc điều chỉnh luật môi trường có thể tạo cơ sở pháp lý để cảnh sát Tây Ban Nha thực thi những biện pháp ngăn chặn các tàu tiếp nhiên liệu ngoài khơi Gibraltar.

Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha, ông Miguel Arias Cañete cảnh báo rằng nước ông sẽ áp dụng các mức phạt đối với bất cứ tàu thuyền nào vi phạm những quy định mới. Cũng theo Bộ trưởng Miguel Arias Cañete, luật mới sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào đầu năm 2014.

Căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Tây Ban Nha bùng phát từ tháng trước sau khi nhà chức trách Gibraltar đặt các khối bê tông để tạo vỉa đá ngầm nhân tạo. Cho rằng hành động này sẽ ảnh hưởng xấu đến các ngư trường của mình, từ cuối tháng trước Tây Ban Nha đã tăng cường kiểm tra người và phương tiện qua lại ở biên giới giữa nước này với Gibraltar khiến giao thông liên tục bị tắc nghẽn hàng giờ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng nghìn người dân thường xuyên qua lại. Ngoài ra, chính phủ Tây Ban Nha còn lên kế hoạch thu phí 50 euro đối với những người đi lại qua biên giới với Gibralta. 

Vùng Gibraltar rộng 6,8 km2, có khoảng 30.000 dân và nằm án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải duy nhất từ Đại Tây Dương. Vùng đất này thường xuyên bị Tây Ban Nha gây áp lực đòi kiểm soát, cho dù giữa Anh và Tây Ban Nha đã có thỏa thuận về chia sẻ chủ quyền và người dân Gibraltar cũng đã thể hiện nguyện vọng không muốn trở về Tây Ban Nha trong hai cuộc trưng cầu ý dân năm 1967 và 2002./.