Nhiều người dân Lebanon đã bày tỏ quan ngại sau vụ đánh bom đẫm máu xảy ra hôm 27/12 tại trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon, khiến ít nhất 5 người chết, hơn 70 người bị thương và làm nhiều tòa nhà cùng ô tô bị bốc cháy.
Trong số những người thiệt mạng có ông Mohammad Chatah, người từng giữ các chức vụ cựu Bộ trưởng Tài chính, cựu Đại sứ Lebanon tại Mỹ và cố vấn cho cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri,. Ông này gặp nạn khi tới khu nhà của cựu Thủ tướng Hariri ở trung tâm thành phố Beirut.
Hiện trường vụ đánh bom tàn bạo ở Beirut hôm 27/12 (ảnh: Getty Images) |
Một số người dân nói: “Đây là một hình thức của xung đột. Xung đột sắc tộc đang gia tăng tại Lebanon và mục tiêu là nhằm vào các khu vực của người Shi'ite… Họ muốn phá hủy nền kinh tế của Lebanon và làm gia tăng căng thẳng tại đất nước chúng tôi”.
Hiện chưa có nhóm nào nhận tiến hành vụ đánh bom đẫm máu này. Dư luận quốc tế đã ngay lập tức lên án vụ đánh bom đẫm máu tại Lebanon.
Trong một thông cáo báo chí, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua đã lên án mạnh mẽ các âm mưu nhằm làm mất ổn định tình hình Lebanon thông qua các vụ ám sát chính trị, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng các hành động bạo lực, hăm dọa đối với các chính trị gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra xét xử kẻ chịu trách nhiệm về hành động khủng bố này.
Cũng trong ngày 27/12, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton cho biết bà lấy làm tiếc về vụ việc trên, đồng thời hối thúc giới chức Lebanon và toàn thể nhân dân nước này gạt qua mọi bất đồng để cùng nỗ lực khôi phục an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (27/12) lên án vụ ám sát một cựu bộ trưởng Nội các Lebanon và cho đây là vụ tấn công khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry lên tiếng ủng hộ các nỗ lực của Lebanon nhằm đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý.
Những tháng gần đây, Beirut đã xảy ra một số vụ tấn công chết người, trong đó có vụ đánh bom kép vào tháng 11 nhằm vào đại sứ quán Iran.
Giới quan sát cho rằng, cuộc nội chiến ở nước láng giềng Syria ngày càng gây chia rẽ sâu sắc xã hội Lebanon, gây căng thẳng chính trị và các cuộc đụng đột phe phái tại Lebanon./.