Nga ngày 9/1 cho biết sẽ không nhượng bộ trước áp lực của Mỹ, với cảnh báo rằng các cuộc đàm phán trong tuần này về cuộc khủng hoảng Ukraine có thể kết thúc sớm. Trong khi đó Mỹ khẳng định không có đột phá nào được mong đợi và tiến độ phụ thuộc vào bước đi của Nga.

Đường lối cứng rắn của cả hai bên cho thấy triển vọng mong manh của các cuộc đàm phán mà dư luận đang hy vọng có thể ngăn chặn nguy cơ xung đột căng thẳng quân sự tại thời điểm căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bi quan về triển vọng đối thoại: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ chứng kiến bất kỳ đột phá nào. Cũng có một loạt các lo ngại của Mỹ đối với Nga và chúng ta chờ đợi xem liệu có bất cứ bước tiến nào được đưa ra hay không”.

Các cảnh báo cứng rắn cũng được phía Mỹ đưa ra bao gồm việc liệt Nga vào danh sách các nước bị hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt nhất như Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria nếu Nga tấn công Ukraine.

“Áp đặt những biện pháp trừng phạt là sai lầm và sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Phương Tây đã lặp lại sai lầm liên tục trong hơn 30 năm qua và tôi nghĩ họ không nên tiếp tục mắc sai lầm vào thời điểm này”, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov-trưởng đoàn đàm phán Nga ngay lập tức tuyên bố.

Các cuộc đàm phán bắt đầu hôm nay tại Geneva cũng mở màn cho cuộc họp NATO-Nga tại Brussels (12/1) và tham vấn trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ở Vienna vào ngày 13/1. Ông Ryabkov tuyên bố không nên “ảo tưởng” về bước đột phá, đồng thời không loại trừ kịch bản tiến trình đàm phán có thể kết thúc trong vòng 1 ngày đối thoại.

Những màn đấu khẩu với các cảnh báo cứng rắn đưa ra trước thềm đối thoại thường được coi là chiến thuật trong các cuộc đàm phán với hi vọng nhận được sự nhượng bộ từ phía bên kia. Tuy nhiên, rõ ràng cả Nga và phương Tây đều đặt cược uy tín và an ninh cho các vòng đối thoại này. Với nhiều lần yêu cầu đảm bảo an ninh không được đáp lại, đề xuất an ninh mới nhất của Nga cho thấy nước này sẵn sàng hành động, buộc phương Tây phải lắng nghe yêu cầu của mình, trong đó có lợi ích sống còn là ngăn chặn sự mở rộng về phía Đông của NATO.

Trong khi đó, bất kỳ sự nhượng bộ nào của NATO và Mỹ đối với Nga cũng sẽ là thất bại rất lớn về địa chính trị của phương Tây đối với Nga. Chính vì vậy dư luận đang theo dõi sát diễn biến các cuộc đàm phán, xem liệu có thể hạ nhiệt được cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây hay không, hay sẽ khơi mào cho các hành động quân sự mới giữa các bên./.