Vòng đàm phán tiếp theo về hòa bình ở Syria sẽ được nối lại vào ngày 13/4 tới, muộn hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu, sau khi Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, Staffan de Mistura kết thúc chuyến thăm tới một số nước, trong đó có Syria và Iran. Chuyến đi của ông là nhằm tham khảo ý kiến của các bên liên quan đến việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria. 

7309406_3x2_940x627_ccbh.jpg
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, Staffan de Mistura. (ảnh: AFP).

Trước đó, hôm 5/4 vừa qua, Liên Hợp Quốc thông báo vòng đàm phán sắp tới giữa các phe phái tham chiến ở Syria nhiều khả năng sẽ nối lại vào ngày 11/4 tới ở Geneva. Trước khi vòng đàm phán trước phải dừng lại hôm 24/3 vừa qua, các đại diện của Tổng thống Bashar al-Assad cho biết, họ chỉ có thể trở lại Geneva sau cuộc bầu cử vào ngày 13/4 tới. 

Trao đổi với báo giới, ông Mistura nêu rõ, ông sẽ trở lại Geneva vào ngày 12 hoặc 13/4. Ông còn khẳng định các cuộc gặp của ông với chính phủ Syria và những nước chủ chốt trong khu vực là rất quan trọng trước khi vòng đàm phán tới đây bắt đầu.

Ông Mistura cho biết, muốn làm rõ quan điểm của các bên liên quan về xuộc xung đột Syria để đảm bảo có sự nghiêm tục về kế hoạch chuyển giao chính trị. Ông cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ Nga cũng như tham vấn với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan và Lebanon trước khi vòng đàm phán khôi phục.  

Ông Mistura sẽ bắt đầu vòng đàm phán mới với việc gặp gỡ các đại diện của Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - một liên minh rộng lớn gồm nhiều nhóm đối lập tại Syria: “Thành thực mà nói, vòng đàm phán tiếp theo cần phải cụ thể hơn về đường hướng tiến trình chuyển giao để có thể thực sự bắt đầu chuyển giao chính trị tại Syria”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 7/4, đã kêu gọi thực hiện mọi nỗ lực để duy trì ngừng bắn ở Syria và xây dựng bước đà cho đàm phán hòa bình.

Phát biểu trong buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir, ông John Kerry nói: ”Vấn đề chủ yếu đối với Syria là những gì sẽ diễn ra. Khi các bên tại Syria trở lại bàn đàm phán ở Geneva trong vài ngày tới, họ cần bắt đầu thảo luận về vấn đề chủ chốt, đó là vấn đề chuyển giao. Đây là phép thử quan trọng cho tính nghiêm túc của chính quyền Tổng thống al-Assad, của Nga và Iran để thúc đẩy cho những điều mà chúng ta đã cam kết ở Vienna, và trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.

Hiện bất đồng lớn nhất hiện nay trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria là vấn đề tương lai chính trị của Tổng thống al-Assad. Các phe nhóm đối lập đòi ông al-Assad phải rời bỏ quyền lực trước khi đồng ý về việc thành lập một chính phủ quá độ. Trong khi đó, chính quyền Syria luôn kiên quyết khẳng định sẽ không bàn về tương lai của Tổng thống al-Assad./.