Trước việc một bé trai chết đói và ba trẻ em khác chết vì bom mìn do không kịp sơ tán khỏi Madaya, Mỹ kêu gọi Nga thúc giục Chính phủ Syria cho phép các tổ chức nhân đạo được vào trong khu vực bị bao vây.

doan_xe_vien_tro_ahyu.jpg
Đoàn xe của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Quốc tế tiến vào khu vực bị bao vây của Syria. Ảnh Reuters

Đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ), bà Samantha Power cho biết tháng 3 có rất ít viện trợ vào được bên trong khu vực bị bao vây của Syria so với tháng 2, khi các cường quốc trên thế giới đã thống nhất chấm dứt chiến sự để cho phép viện trợ nhân đạo vào trong.

Trước yêu cầu của Mỹ, ngày 5/4, người đứng đầu quỹ viện trợ của LHQ ông Stephen O'Brien đã tóm tắt tình hình với Hội đồng Bảo an LHQ và nội dung tóm tắt này được bà Power mô tả là “hết sức ớn lạnh và đau lòng”.

“Ông ấy nói về cậu bé này, cậu bé mà LHQ cố gắng di tản ra khỏi Madaya”, bà Power cầm bức ảnh một cậu bé gầy giơ xương trên tay, trả lời phỏng vấn báo chí. “Chỉ vì Chính phủ Syria từ chối việc sơ tán mà ngày hôm qua, cậu bé đã chết”, bà Power nói.

Đại diện của Mỹ tại LHQ chỉ trích việc một thành viên của Liên Hợp quốc lại có thể chặn nguồn thực phẩm như vậy.

LHQ cho biết hiện còn 486.700 người đang bị kẹt ở Syria – khoảng 274.200 người bởi quân chính phủ, 200.000 người bởi nhóm IS, khoảng 12.500 người bởi phe đối lập được trang bị vũ trang và Tổ chức khủng bố Mặt trận Nusra, và 6.000 người còn lại bởi cả chính phủ và những phe đối lập.

“Chính phủ tự cho thấy khi phải chịu áp lực đủ lớn thì họ sẽ thay đổi. Tôi và những thành viên khác trong hội đồng kêu gọi những ai có tầm ảnh hưởng tới chính phủ hãy làm như vậy”, bà Power phát biểu. “Đó sẽ là những thúc đẩy rất lớn để thay đổi số phận cho những người đang phải chịu đói”.

Một tổ chức hỗ trợ Syria của quốc tế, do Nga và Mỹ điều hành, đã lập lực lượng nhân đạo vào tháng 2 vừa qua. Những thành viên trong đó có nhiệm vụ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với những phe nhóm tham chiến để cho hỗ trợ tổ chức nhân đạo tiếp cận nơi cần giúp đỡ.

Khi được hỏi về các nhận xét của bà Power, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov nói rằng đó là lí do mà lực lượng này được thành lập.

Bà Power cũng có một phát biểu cụ thể về thị trấn Daraya, nơi mà Chương trình lương thực thế giới cho biết một số người buộc phải sống bằng cách ăn cỏ. Bà cho biết con người ở đây gầy trơ xương còn các bà mẹ thì quá suy dinh dưỡng để chăm sóc cho con mình.

“Không một chút thực phẩm nào từ Liên Hợp Quốc có thể tới tận tay người dân Daraya từ năm 2012”, bà Power cho biết thêm./.