Vòng đàm phán bị gián đoạn là do phía Iran đã đưa ra đề xuất mới, “thay đổi nhiều” nội dung văn bản mà các bên từng đạt được trong 6 vòng đàm phán trước đó. Mỹ và 3 nước châu Âu đã có những phản ứng quan ngại, song vẫn dành thời gian xem xét.

Trong 5 ngày đàm phán “khá căng thẳng”, phái đoàn Iran, đại diện cho Chính phủ mới của tân Tổng thống theo đường lối cứng rắn Ibrahim Raisi, đã đưa ra những đề xuất khiến Mỹ và châu Âu thất vọng và phải lên tiếng quan ngại.

Theo ba nước châu Âu (E3), gồm Anh, Đức và Pháp; phía Iran đã có những đề xuất, thay đổi sâu sắc nội dung văn bản mà các bên đã thống nhất được khoảng 70-80% nội dung. Tehran đang đi ngược lại tất cả nhượng bộ khó khăn mà các bên đạt được sau nhiều tháng vất vả. Ba nước châu Âu thấy rằng, nhiều đề xuất của Iran không phù hợp với thỏa thuận hạt nhân 2015, vượt quá giới hạn cho phép. Điều đó tạo ra những khoảng cách mà “khó có thể lấp đầy” giữa các bên trong một khoảng thời gian cụ thể.

Trong khi, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá, Iran dường như “không nghiêm túc” để trở lại thỏa thuận và đó là lý do vòng đàm phán mới kết thúc: “Cánh cửa đang rất hẹp vì những gì không thể chấp nhận được và những gì chúng tôi sẽ không cho phép xảy ra. Iran cố gắng đàm phán, song cũng không ngừng xây dựng chương trình hạt nhân của mình. Chúng tôi đã nói với tất cả rằng, nếu con đường quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đi vào ngõ cụt, chúng tôi sẽ theo đuổi các lựa chọn khác”.

Giống với đánh giá của giới chuyên gia trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cho rằng, vòng đàm phán hiện tại rất khó thành công. Tổng thống Pháp cho rằng, có vẻ rất khó để các bên đạt được thỏa thuận, nếu các nước Arập vùng Vịnh và Israel – những quốc gia có ảnh hưởng an ninh trực tiếp từ chương trình hạt nhân Iran, không tham gia vào tiến trình đối thoại.

Dẫu vậy, dù đề xuất của Iran khiến Mỹ, châu Âu quan ngại, song các quốc gia này vẫn giành thời gian để xem xét. Các bên kỳ vọng, quá trình đàm phán sẽ được nối lại vào giữa tuần tới, có thể là ngày 7/12.

Hiện phía Iran đang rất mong chờ những phản ứng tích cực từ Mỹ và các nước châu Âu đối với các đề xuất của mình. Theo trưởng phái đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri Kani, Mỹ là bên rút khỏi thỏa thuận trước, vì thể Mỹ phải là bên có động thái sửa lỗi trước tiên – đó là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, bao gồm cả các lệnh trừng phạt không liên quan đến vấn đề hạt nhân. Đồng thời Iran cần sự đảm bảo rằng, Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào với Iran trong tương lai.

Tuy nhiên, phía Iran cũng khẳng định, các quốc gia châu Âu cũng vẫn có thể đưa ra đề xuất mới của riêng mình để các bên thỏa luận và cánh cửa cho đàm phán vẫn đang mở./.