Dưới sự trung gian của 3 nước châu Âu cùng Nga và Trung Quốc; Mỹ và Iran đã tham gia đàm phán gián tiếp để trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 tại Vienna (Áo) từ tháng 4 vừa qua. Trải qua 6 vòng đàm phán, các bên đã quyết định về nước tham vấn vào ngày 20/6, sau khi thông báo đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo một số nguồn tin, Mỹ đã đồng ý với Iran về việc gỡ bỏ phần lớn các lệnh trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân và đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ra khỏi danh sách khủng bố; đổi lại Iran phải đảm bảo 1 chương trình hạt nhân hòa bình và cần đồng ý sẽ tham gia cuộc đàm phán trong tương lai về chương trình tên lửa và sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Iran đã bác bỏ việc đàm phán về các vấn đề không liên quan đến hạt nhân; còn Mỹ cảnh báo, mọi kết quả đàm phán sẽ “tan biến” nếu hai bên không đi đến một thỏa thuận cuối cùng.

Một tháng rưỡi đã trôi qua, đến nay, vòng đàm phán thứ 7 vẫn chưa biết khi nào mới được nối lại. Nhưng theo trưởng đoàn đàm phán Iran – Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi từng nói, mọi thứ cần chờ chính quyền mới của Iran nhậm chức. Và hôm qua, Iran chính thức đã có tân Tổng thống - ông Ibrahim Raisi. Lễ nhậm chức của ông Raisi đã được quốc tế theo sát, hay nói đúng hơn là thế giới đang rất quan tâm đến các chính sách đối nội, đối ngoại của vị Tổng thống thứ 8 của Iran, trong đó bao gồm cả Thỏa thuận hạt nhân – vấn đề có sức ảnh hưởng ra toàn khu vực Trung Đông và thế giới.

Trước Quốc hội, trong lời tuyên thệ của mình, tân Tổng thống Iran Ibrahim Raisi tuyên bố sẽ làm cho đất nước Iran mạnh mẽ hơn, gắn kết với thế giới hơn. Ông cũng tuyên bố ủng hộ các bước đi ngoại giao để gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, phát đi tín hiệu tích cực về khả năng sớm nối lại tiến trình đàm phán tại Vienna, Áo.

“Các lệnh trừng phạt đối với người dân Iran phải được dỡ bỏ. Chúng tôi sẽ ủng hộ bất kỳ kế hoạch ngoại giao nào đưa mục tiêu này thành hiện thực. Tôi sẽ mở rộng vòng tay của tình bạn và tình anh em với tất cả các nước trong khu vực, đặc biệt là với các nước láng giềng của Iran. Sức mạnh của Cộng hòa Hồi giáo Iran đang tạo ra an ninh và an toàn cho khu vực. Sự can thiệp của kẻ thù vào khu vực sẽ không giải quyết được vấn đề gì, bởi bản thân họ đã là một vấn đề”.

Dự kiến, tân Tổng thống Iran sẽ có 2 tuần để giới thiệu nội các mới. Tuy nhiên, điều này có thể được đẩy nhanh hơn khi Lãnh tụ tối cao – Đại giáo chủ Ali Khamenei đã yêu cầu chính quyền mới phải nhanh chóng được thành lập và giải quyết các vấn đề, thách thức của đất nước. Và thành viên Nội các mới của Iran được quốc tế quan tâm chính là chức vụ Ngoại trưởng mà nhiều khả năng sẽ do một nhân vật có đường lối cứng rắn, bảo thủ đảm nhiệm.

Chính trường Iran giờ đã thay đổi, hôm qua, phía Mỹ đã kêu gọi tân Tổng thống Iran tiếp tục tiến trình đàm phán để đưa 2 nước quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, thông điệp của Mỹ gửi Tổng thống Iran Raisi cũng là thông điệp từng được gửi cho những người tiền nhiệm của ông. Mỹ sẽ bảo vệ và thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của mình và đối tác. Mỹ hy vọng chính quyền mới Iran nắm lấy cơ hội hiện nay để thúc đẩy các giải pháp ngoại giao. Cơ hội này sẽ không tồn tại mãi mãi.

Cùng ngày, Phó Tổng Thư ký Ủy ban đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là Đặc phái viên của Khối này tham gia điều phối các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 tại Vienna (Áo) - ông Enrique Morab đã dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran tại thủ đô Tehran. Ông này cũng có các cuộc gặp với giới chức ngoại giao hàng đầu Iran để thỏa luận về các cuộc đàm phán hạt nhân.

Rõ ràng, Mỹ, châu Âu và phần lớn thế giới đang rất chờ đợi vào vòng đàm phán hạt nhân Iran thứ 7 tại Áo, với những quyết sách của chính quyền mới Iran sẽ được nêu ra. Trong khi đó, Israel và một số quốc gia Arab trong khu vực lại tỏ rõ lo lắng rằng thỏa thuận hạt nhân 2015 đối với Iran là chưa đủ, chương trình tên lửa và sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực thật sự cũng là vấn đề đáng phải bàn tới./.