Nếu Mỹ đưa ra những đảm bảo lợi ích kinh tế của Iran “về lâu dài”, thì việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sẽ thành công. Đó chính là tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian vừa đưa ra sau khi trở về nước từ Doha, Qatar sau cuộc đàm phán “không đạt kết quả” với phía Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Amir-Abdollahian nhấn mạnh, chủ nghĩa thực dụng của Mỹ và việc đạt được những đảm bảo ổn định cho lợi ích kinh tế đầy đủ của Iran từ thỏa thuận hạt nhân có thể giúp các cuộc đàm phán đạt được kết quả thành công. Trưởng đoàn đối thoại của Iran Ali Bagheri Kani sẽ vẫn đàm phán nghiêm túc để các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. Iran sẽ tiếp tục đối thoại bằng sức mạnh của mình và sự logic.

Tuyên bố từ Ngoại trưởng Iran được đưa ra khi EU “không mấy lạc quan” về việc 2 bên sẽ đạt được thỏa thuận sau khi đàm phán. Đại sứ Liên minh châu Âu EU tại Liên Hợp Quốc Olof Skoog cho biết:

“Về phía EU, chúng tôi lo ngại rằng chúng tôi có thể không vượt qua được vạch đích. Thông điệp của chúng tôi là: Hãy nắm bắt cơ hội này để ký kết thỏa thuận dựa trên văn bản trên bàn”.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cũng thúc giục Iran chấp nhận dự thảo thỏa thuận mà các bên đã gần thống nhất được tại các vòng đàm phán trước: “Iran nên khẩn trương thực hiện thỏa thuận này. Sẽ không có thỏa thuận nào tốt hơn. Và nếu thỏa thuận không được ký kết, thì sự leo thang hạt nhân của Iran sẽ khiến thỏa thuận 2015 sụp đổ”.

Đây cũng là lời kêu gọi của Pháp và Mỹ khi hai quốc gia này cho rằng nhiều đề xuất của Iran không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và điều đó là phi lý. Tuy nhiên phía Iran khẳng định, những lệnh trừng phạt phi lý nhằm vào nước này cần được gỡ bỏ và được kiểm chứng. Thỏa thuận hạt nhân Iran cần được đảm bảo không bị “tấn công” thêm lần nữa. Iran sẽ tiếp tục liên lạc với điều phối viên EU trong thới gian tới để sẵn sàng tham gia đối thoại mang tính xây dựng một lần nữa, nhằm đạt được một thỏa thuận “bền vững”.

Hiện Nga và Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Iran. Phía Nga cho rằng, chiến dịch gây áp lực tối đa lên Iran từ chính quyền tiền nhiệm Mỹ đến chính quyền hiện nay chính là mấu chốt của vấn đề, khiến thỏa thuận hạt nhân Iran không được các bên tuân thủ. Còn Trung Quốc cũng hi vọng các bên liên quan của thỏa thuận hạt nhân sẽ linh hoạt hơn trong đàm phán, đối thoại./