Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đang bước vào vòng đàm phán cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Tehran trước khi kết thúc thời hạn đề ra trong thỏa thuận tạm thời ký kết hồi cuối năm ngoái là ngày 20/7 tới.

Những vấn đề còn phải giải quyết vẫn rất phức tạp đối với cả hai phía, nhưng bầu không khí chính trị chung lại thuận lợi hơn so với những vòng đàm phán trước đã đặt Iran và nhóm P5+1 đứng trước cơ hội lịch sử đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện.

dam_phan_iran_dihk.jpgMột vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran (Ảnh: PressTV)

Vòng đàm phán này có thể coi là vòng cuối cùng trong chuỗi các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran. Nếu không đạt được đồng thuận, nguy cơ các cuộc không kích của Israel đối với các cơ sở hạt nhân của Iran hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này có thể gây ra cuộc chiến mới tại Trung Đông và một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong khu vực. 

Chính vì thế mà cả Iran và nhóm P5+1 đều bày tỏ sẽ quyết tâm hoàn tất thỏa thuận hạt nhân vào thời hạn chót là vào ngày 20/7. Đây là  thời điểm kết thúc sáu tháng thực hiện thỏa thuận hạt nhân sơ bộ trước khi đạt được một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran.

Ngày 3/7, ông Michael Mann người phát ngôn của Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton cho biết, vòng đàm phán mới giữa Iran và nhóm P5+1 đã bắt đầu bằng một phiên thảo luận toàn thể để nhất trí về lịch trình đàm phán trong những ngày tới. Ông Mann cũng cho biết, nhóm P5+1 sẵn sàng kéo dài đàm phán để đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ông Mann nói: “Mục tiêu của vòng đàm phán này là đạt được những cam kết đảm bảo bằng giấy trắng mực đen trong một thỏa thuận thành công mà tất cả các bên đều hài lòng. Đó là điều chúng tôi đang làm tại đây. Hiện không có thời gian biểu cụ thể cho việc đạt được thỏa thuận vào ngày nào. Tất nhiên ai cũng ý thức về hạn chót 20/7. Chúng tôi có quyết tâm sẽ đạt được thỏa thuận trước thời điểm đó. Và chúng tôi hy vọng Iran sẽ bước vào vòng đàm phán với tinh thần tương tự để đi đến kết quả”.

Trong một tuyên bố trước khi bước vào cuộc đàm phán Ngoại trưởng Iran J. Zarif cũng đã tuyên bố  sẽ “làm nên lịch sử với một thỏa thuận toàn diện cho vấn đề hạt nhân Iran”. Tuy không ai dám chắc vòng đàm phán này có mang lại thỏa thuận về giải pháp tổng thể hay không, nhưng có thể thấy rằng, cả hai phía đang xích lại gần hơn những thỏa thuận có ý nghĩa quyết định.

Theo các nhà phân tích, cả hai bên sẽ còn xem xét những bất đồng đến tận phút chót và cũng có thể sẽ gia hạn hiệu lực của thỏa thuận tạm thời nếu đến hết ngày 20/7 mà vẫn chưa tìm ra sự thống nhất. Cho tới nay, tiến triển của quá trình đàm phán tuy chậm chạp nhưng vẫn kiên định định hướng. Thời gian qua, quan hệ của Iran với Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã có phần được cải thiện. Hai phía đều biểu hiện thiện chí và quyết tâm duy trì đàm phán.

Chương trình làm giàu urani của Iran hiện là tâm điểm tranh cãi của các cuộc đàm phán. Các nước P5+1 yêu cầu Iran giảm số lượng máy ly tâm để đảm bảo rằng Tehran không thể sản xuất đủ nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Iran khẳng định nước này cần có thêm máy ly tâm để sản xuất urani cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân.

Ba vấn đề nan giải nhất mà hai phía phải xử lý dứt điểm ở vòng đàm phán này là mức độ cụ thể trong chương trình làm giàu urani của Iran, lò phản ứng hạt nhân Arak và thời hạn hiệu lực của thỏa thuận tổng thể. Có thể thấy việc đạt được thỏa thuận không đến nỗi không khả thi. Vấn đề chỉ là hai bên có thực sự muốn đạt được thỏa thuận thực chất không./.