Dù đã bước vào vòng đàm phán thứ 7 song cả Iran và phương Tây đều chỉ trích lẫn nhau không thiện chí. Trong khi Mỹ và các đồng minh châu Âu cho rằng, Iran đã phung phí thời gian vào những lập trường không phù hợp, thì Iran cũng không ngần ngại cáo buộc phương Tây cứ chăm chăm chỉ trích thay vì lựa chọn ngoại giao thực sự.

Đại diện thường trực Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht-Ravanchi nhấn mạnh: “Iran không áp đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết hoặc điều kiện mới nào, mà là những điều đã được nêu trong Kế hoạch hành động chung toàn diện và và nghị quyết 2231. Nếu những điều kiện này không được đáp ứng đầy đủ, thỏa thuận sẽ trở nên vô nghĩa. Vì thế chúng tôi kêu gọi thực hiện một cách đầy đủ, kịp thời, vô điều kiện và có thể kiểm chứng được đối với thỏa thuận năm 2015”.

Đánh giá của các bên về tiến triển của cuộc đàm phán cũng có sự khác biệt. Trong khi Iran khẳng định nước này và các cường quốc đang tiến gần tới sự đồng thuận, thì phương Tây lại cho rằng đây là một bước lùi so với hồi mùa Xuân và nghi ngờ Iran tìm cách kéo dài thời gian để phát triển chương trình hạt nhân.

Phát biểu trong chuyến công du Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tuần này cảnh báo, nếu không có những tiến bộ nhanh chóng, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ trở thành chiếc vỏ rỗng trong khi nước Cộng hòa Hồi giáo đang có những bước tiến nhanh chóng trong chương trình hạt nhân. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết thêm sẽ thảo luận “tích cực” với các đồng minh và đối tác về những giải pháp thay thế.

Trước tiến triển chậm chạp của các các cuộc đàm phán, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo kêu gọi các bên ngừng cuộc chiến đổ lỗi và nhanh chóng có những bước đi thiết thực nhằm hỗ trợ tiến trình đàm phán.

“Tôi kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoặc miễn trừ các biện pháp trừng phạt như được nêu trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện và mở rộng các miễn trừ liên quan đến hoạt buôn bán dầu mỏ của Iran, cũng như đối với một số hoạt động hạt nhân dân sự. Chúng tôi cũng kêu gọi nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đảo ngược những bước đi không phù hợp với các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân”, bà Rosemary DiCarlo nói.

Có thể nói những diễn biến hiện nay trái với dự đoán của nhiều chuyên gia cách đây gần 1 năm khi ông Joe Biden đắc cử Tổng thống, với cam kết đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân. Vòng đàm phán thứ 7  này giữa Iran và các cường quốc cũng là vòng đàm phán đầu tiên kể từ khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đắc cử hồi giữa năm nay. Bất đồng chính giữa các bên vẫn là khôi phục thỏa thuận trước hay dỡ bỏ trừng phạt trước. Việc khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân là nguyện vọng của Iran, cũng đồng thời một mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, việc bên nào sẽ nhượng bộ trước lại là điều không dễ thực hiện./.