Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu và Anh đều tuyên bố “những đàm phán sắp tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều”. Đó là một nhận thức rất thực tế. Khác với thoả thuận Brexit giai đoạn 1 là để giải quyết việc chia tay, mục đích mà hai bên muốn tiến tới trong giai đoạn 2 lại có thể xem như là một sự “tái hôn” giữa EU và Vương quốc Anh.

brexit_gmnd.jpg
Ảnh minh họa: AP

Cuộc “tái hôn” này sẽ diễn ra dưới dạng một thoả thuận thương mại mới, định hình đúng tính chất mới của mối quan hệ giữa hai bên một khi nước Anh không còn là một thành viên của Liên minh nhưng lại vẫn là một quốc gia có đủ mọi sức ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và quốc phòng lên toàn bộ châu Âu.

Thoả thuận thương mại mới sẽ phản ánh lợi ích chiến lược lâu dài của cả hai bên và vì thế, mọi nhượng bộ đều là vô cùng khó khăn. Vị thế chính trị hiện nay của bà Theresa May càng làm cho những đàm phán tới phức tạp hơn.

Tại nước Anh, bà May đang chịu sức ép nặng nề từ mọi phía, từ dư luận, các đối thủ chính trị đến chính nội bộ đảng Bảo thủ, nên gần như chắc chắn sẽ phải thể hiện một thái độ đàm phán cứng rắn hơn rất nhiều nếu không muốn chính chiếc ghế Thủ tướng của mình sụp đổ.

Điều này đặt EU vào một tình thế khó xử. Một mặt, Liên minh cũng không thể nhượng bộ một khi Chính phủ của bà Theresa May gia tăng quan điểm cứng rắn trong đàm phán.

Mặt khác EU càng không muốn nước Anh có một người đối thoại khác thay cho bà Theresa May, bởi lẽ ít nhiều thì sợi dây liên hệ giữa bà Theresa May với các quan chức hàng đầu châu Âu đã được thiết lập trong thời gian qua. Và quan trọng nhất, là vì thời gian còn lại cho đến cột mốc tháng 3/2019 là quá ít ỏi cho bất cứ một xáo trộn cấp cao nào từ phía nước Anh./.