Nội dung tuyên bố chung tại Đại hội
Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga) đã bế mạc vào rạng sáng ngày 31/1 (theo giờ Việt Nam) với việc thông qua một tuyên bố chung gồm 12 điểm vạch ra lộ trình cho tương lai của Syria.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura (đứng giữa) tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria diễn ra tại Sochi (Nga). Ảnh: SANA. |
Trong tuyên bố đưa ra, các bên tham gia bày tỏ sự tôn trọng đối với “chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất tại Syria, đồng thời yêu cầu chính phủ Syria thực thi đầy đủ nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế và khu vực, phù hợp với luật lệ, quy định và mục tiêu của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố nhấn mạnh, chỉ người dân Syria được quyền quyết định tương lai của quốc gia này thông qua các phương tiện dân chủ và qua các cuộc bầu cử công bằng, minh bạch. Họ có quyền lựa chọn hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị của riêng mình mà không cần sự can thiệp hay sức ép từ bên ngoài.
Cũng theo tuyên bố, chính phủ Syria cần phải xây dựng một lực lượng quân đội quốc gia đoàn kết và vững mạnh, có thể thực thi nhiệm vụ theo hiến pháp và những tiêu chuẩn cao nhất, có chức năng bảo vệ khu vực biên giới, bảo vệ người dân khỏi những kẻ khủng bố. Việc tiến hành các hoạt động quân sự cần phải được thực hiện theo hiến pháp quốc gia.
Đặc biệt, tại Đại hội lần này, các bên tham gia nhất trí thành lập Ủy ban Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến soạn thảo Hiến pháp (gọi tắt là Ủy ban Hiến pháp). Ủy ban Hiến pháp sẽ có khoảng 45 đến 50 thành viên và bao gồm cả đại diện của Chính phủ Syria cũng như phe đối lập. Ủy ban này có nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp mới cho Syria trong khuôn khổ lộ trình chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Syria, thể theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura hoan nghênh kết quả của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, coi đây là một đóng góp quan trọng đối với tiến trình hòa đàm Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ. Trong khi đó, Nga tuyên bố Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hòa giải dân tộc ở quốc gia Trung Đông này.
Có thực sự thành công?
Mặc dù mang những thông điệp và mục tiêu tốt đẹp, song Đại hội lần này vẫn còn rất nhiều trở ngại và bất đồng.
Trở ngại đầu tiên là một số bên tham gia vẫn bất đồng chính kiến và chưa có niềm tin về mục tiêu chính trị cơ bản của Đại hội. Thực tế này có thể thấy được từ những cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneve đến những cuộc đối thoại do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hậu thuẫn tại Astana, Kazakhstan. Đại diện của chính phủ Syria lẫn một số đảng phái đối lập liên tục đổ lỗi cho nhau về tình hình xung đột hiện tại, bất đồng về các nghị quyết được đề xuất hoặc thậm chí bỏ về ngay giữa phiên họp. Hai bên vẫn luôn mâu thuẫn về số phận tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi phe đối lập một mực đòi ông Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực và coi đây là điều kiện tiên quyết để mang lại hòa bình cho Syria thì chính phủ Syria một mực không chấp nhận yêu sách này. Chính mâu thuẫn dai dẳng này là một trong những nguyên nhân khiến các vòng hòa đàm vừa qua do Liên Hợp Quốc bảo trợ thất bại.
Bên cạnh đó, mặc dù Đại hội tại Sochi được đánh giá là “bao quát, toàn diện”, song không phải tất cả các bên liên quan đến xung đột Syria đều được mời đến tham dự. Dưới sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ, Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) vốn có quyền lực chính trị tại nhiều khu vực rộng lớn tại phía bắc Syria, đã không tham dự. Sự vắng mặt của PYD sẽ làm suy yếu quá trình chuyển đổi chính trị của Syria với mục tiêu trở thành một quốc gia có tính dân chủ và toàn diện hơn.
Thêm vào đó, đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn ác liệt tại thành phố Afrin ở tây bắc Syria, khi quân đội Tự do Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tấn công vào các cứ điểm của Các đơn vị tự vệ nhân dân người Kurd (YPG). Điều này khiến dư luận đang đặt câu hỏi liệu có quá sớm để Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Syria cùng các nhóm đối lập khác tại nước này cùng ngồi lại đối thoại để bàn về cấu trúc của một nhà nước Syria trong tương lai?
Rào cản tiếp theo là sự chia rẽ giữa các phe phái đối lập tại Syria, trong đó phải kể đến sự phân biệt rõ rệt giữa Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) – đại diện phe đối lập chính tại Syria với hai nhóm đối lập khác do Nga và Ai Cập hậu thuẫn. Trong khi Ủy ban Đàm phán cấp cao Syria luôn lên tiếng chỉ trích và tìm cách hạ bệ chính phủ Syria thì hai nhóm đối lập nêu trên lại ở thế trung lập và không tạo ra mối đe dọa với chính quyền của Tổng thống Syria Assad.
Tiếp theo, đại hội đã bị sự tẩy chay của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Mỹ tuyên bố sẽ không tham dự đại hội ở Sochi với tư cách quan sát viên. Còn Anh và Pháp khẳng định, các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Geneva là “khuôn khổ hợp pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”.
Cuối cùng, là bất đồng về vai trò của Nga trong giải quyết xung đột tại Syria. Một số quốc gia trong khu vực và nhiều nhóm đối lập tại Syria vẫn không chấp nhận Nga đóng vai trò trung gian, hậu thuẫn cho các cuộc đối thoại chính trị về Syria. Điều này nảy sinh từ việc Nga vẫn duy trì binh sỹ và các căn cứ quân sự tại Syria, cũng như có quan hệ gần gũi với chính quyền Tổng thống Assad. Nhiều chính trị gia phương Tây thậm chí nghi ngờ Nga muốn giành vai trò ảnh hưởng to lớn đối một nhà nước Syria tương lai, thông qua việc đề xuất các cuộc đàm phán về Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tương tự như sự kiện diễn ra tại Astana và Sochi.
Lắm chông gai nhưng nhiều kỳ vọng
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, mục đích của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria là chấm dứt cuộc cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua tại Syria, vạch ra lộ trình cho tương lai của Syria, mang đến một hiến pháp mới mà dựa vào đó quốc gia Trung Đông này có thể tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Vượt qua những nghi kỵ ban đầu, Nga đã chứng minh được rằng Đại hội diễn ra là vì quyền lợi của người dân Syria và phục vụ cho hòa bình Syria.
Bên cạnh đó, việc Liên Hợp Quốc công nhận tính hợp pháp của Đại hội đối thoại dân tộc Syria cũng như quyết định cử Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tham dự là bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức cuộc đối thoại tại Sochi.
Với Đại hội Đối thoại dân tộc Syria lần này, người dân Syria có thể nhen nhóm hy vọng về một nền hòa bình lâu dài và một tương lai tốt đẹp hơn sau cuộc xung đột kéo dài 7 năm, cướp đi sinh mạng của hơn 340.000 người./.
Vượt qua ngờ vực, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria có bước đột phá
Kỳ vọng lớn tại Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi, Nga