Nữ phát ngôn viên của Văn phòng này phát biểu vào hôm 26/9 rằng Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối đối với công thức “một nước, hai chế độ” của Bắc Kinh.

phat_ngon_vien_dai_loan_ma_wei_kuo_fftc.jpgBà Mã Wei-kuo, phát ngôn viên của Văn phòng chính quyền Đài Loan (ảnh: China Times)
Bà Mã Wei-kuo đưa ra phát biểu trên nhằm phản ứng lại các nhận xét của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu ngày 26/9 khi ông tiếp một phái đoàn Đài Loan ở Bắc Kinh do Yok Mu-ming, Chủ tịch Tân Đảng có xu hướng ủng hộ thống nhất với đại lục, dẫn đầu.

Ông Tập nói rằng “thống nhất hòa bình và một nước-hai chế độ là các nguyên tắc chỉ đạo trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan”, và việc thực hiện mô hình này sẽ phải “tính đầy đủ đến tình hình thực tế ở Đài Loan”.

Trong khi đó bà Mã Wei-kuo khẳng định “Trung Hoa Dân quốc” (tên chính thức của Đài Loan) là "một quốc gia độc lập có chủ quyền đã tồn tại được 103 năm" (kể từ năm 1912).

(Trên thực tế, sau khi nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đã phải rời bỏ đại lục và lui về đảo Đài Loan và tồn tại liên tục từ đó đến nay.)

Bà Mã nói, chính phủ Đài Loan ủng hộ hiện trạng “không thống nhất, không độc lập, và không sử dụng vũ lực” trong khuôn khổ Hiến pháp Trung Hoa Dân quốc, và đã thúc đẩy sự phát triển hòa bình xuyên eo biển Đài Loan dựa trên sự đồng thuận năm 1992.

Theo chính quyền Quốc dân đảng, sự đồng thuận nói trên là sự hiểu biết rằng hai bên bờ eo biển Đài Loan đều có quyền tự do giải thích ý nghĩa của cụm từ “một Trung Quốc”.

 Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu
Phát ngôn viên Mã Wei-kuo nhấn mạnh: chính quyền và nhân dân Đài Loan sẽ không chấp nhận lời lẽ hoa mỹ về “một nước, hai chế độ”.

Bà Mã cho biết, hồi tháng 10/2005, với tư cách là Chủ tịch Quốc dân đảng, ông Mã Anh Cửu đã tuyên bố như sau: “Giá trị cốt lỗi là bảo vệ Trung Hoa Dân quốc và phản đối Đài Loan độc lập, nhưng chúng ta sẽ không chấp nhận công thức ‘1 nước, 2 chế độ’ của Trung Quốc”.

Vào tháng 3/2006, ông Mã nhắc lại quan điểm phản đối công thức trên trong cuộc gặp gỡ với các “đồng bào Đài Loan” tại một bữa tiệc ở San Francisco. Khi ấy, ông giải thích rằng công thức này đồng nghĩa với việc Đài Loan mất chủ quyền.

Tháng 4/2010, với tư cách là Nhà lãnh đạo Đài Loan, trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN, ông Mã Anh Cửu cho rằng công thức mà Trung Quốc vận dụng vào Hong Kong là không tốt cho Đài Loan vì hai nơi có những khác biệt. Vào thời điểm ấy, ông Mã cho rằng Trung Hoa Dân quốc đã là một quốc gia có lãnh đạo riêng, lập pháp riêng, và được quản lý độc lập.

Thủ tướng Đài Loan Giang Nghi Hoa cũng tuyên bố vào hôm 21/9 rằng "một đất nước độc lập có chủ quyền như Trung Hoa Dân quốc" sẽ không bao giờ chấp nhận mô hình “1 nước, 2 chế độ”.

Thủ tướng Giang cho biết ông chưa đọc đầy đủ văn bản ghi lại nhận xét của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng nếu ý “1 nước, 2 chế độ” chỉ “đơn giản là sự mở rộng các tuyên bố của Trung Hoa Đại lục đối với chúng tôi trong quá khứ, thì chúng tôi không cảm thấy có gì thực sự mới mẻ ở đây cả”.

Wang Yu-chi, trưởng Hội đồng Các vấn đề Đại lục, cơ quan xây dựng chính sách hàng đầu về Trung Quốc của Đài Loan, cho biết ý tưởng “1 nước, 2 chế độ” vốn từ lâu là nguyên tắc chỉ đạo của Bắc Kinh đối với vấn đề Đài Loan nhưng đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức nêu ra nguyên tắc này./.

>> Xem thêm: Giải mã nỗi sợ Trung Quốc