Số người chết và bị thương ở Syria ngày càng gia tăng đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi giải pháp hoà bình để chấm dứt cuộc chiến này vẫn còn vô cùng mờ mịt.
Đài truyền hình al-Ikhabariya của Syria ngày 4/1 đưa tin, ít nhất 11 người thiệt mạng và 40 người khác bị thương trong một vụ đánh bom xe tại trạm xăng tại thủ đô Damascus.
Một người dân Damascus cho biết: “Tôi cảm thấy có chút sợ hãi. Vụ nổ và những cuộc đọ súng thật đáng sợ. Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ kiểm soát tình hình càng sớm càng tốt”.
Người dân Syria chôn cất các nạn nhân trong vụ thảm sát ở Houla (Ảnh: Reuters) |
Trong khi đó, theo báo chí địa phương các tay súng ở Syria ngày ngày 4/1 đã tấn công sân bay quân sự Taftanaz tại tỉnh Idlib ở miền Bắc, nơi thường được quân chính phủ sử dụng để tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của phe nổi dậy. Tin cho biết, khoảng 800 tay súng đối lập, trong đó chủ yếu thuộc các nhóm Hồi giáo đã đột nhập vào sân bay, phá hủy hai máy bay và chiếm sở chỉ huy sân bay trước khi bị quân chính phủ đánh bật ra.
Còn phát biểu trên truyền hình địa phương, thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Lebanon, ông Hassan Nasrallah cho rằng, nếu không tìm ra một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria, thì những cuộc xung đột sẽ kéo dài và đẫm máu.
Phát biểu trước đám đông tại thành phố Bekaa, phía Tây Lebanon, ông Nasrallah cho biết: “Cuộc xung đột tại Syria đã kéo dài gần 2 năm. Nếu các bên tiếp tục sử dụng các biện pháp quân sự, thì đây sẽ là cuộc chiến kéo dài, đẫm máu và tàn phá. Cần phải giải quyết cuộc xung đột tại Syria bằng một giải pháp chính trị cởi mở. Tuy nhiên, có một số người lại đang cản trở giải pháp chính trị này”.
Chính phủ Lebanon cùng ngày cũng đã thông qua một chương trình gồm ba điểm nhằm giải quyết làn sóng người tị nạn Syria, bất chấp sự phản đối của khối "Cải tổ và thay đổi" trong Chính phủ Lebanon. Ba điểm của chương trình cứu trợ này gồm thống kê số người tị nạn, trợ giúp về lương thực và y tế, giải quyết các hậu quả về an ninh và xã hội. Chương trình này cần hơn 320 triệu USD để triển khai các hoạt động cứu trợ dành cho người Syria.
Theo Thổ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, số người Syria sống trong các trại tỵ nạn của nước này đã vượt quá 150.000 người trong khi đó, số người dân Syria sống tại các tỉnh thành khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã hơn 70.000 người. Theo đó, chính phủ nước này đã giành hơn 500 triệu USD cho người tỵ nạn của Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện dư luận quốc tế lo ngại là thiệt hại về người trong cuộc chiến ác liệt tại Syria có thể còn cao hơn rất nhiều bởi cho tới thời điểm hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến này sắp chấm dứt. Các phân tích cho thấy, có sự gia tăng đáng ngại về số người chết trung bình mỗi tháng tại Syria, từ mức 1.000 người hồi giữa năm 2011 lên mức 5.000 người vào tháng 7/2012. Đó là chưa kể số người bị thương và khoảng nửa triệu người khác phải đi tị nạn./.