Kleopatra, hay còn được gọi là “tiểu hành tinh xương chó” với hình dạng hai thùy, dài khoảng 270km. Các nhà thiên văn học quan sát thấy tiểu hành tinh này có thể chỉ là một đống gạch vụn, có khả năng được hình thành từ vật chất tích tụ lại sau một vụ va chạm khổng lồ.
“Kleopatra thực sự là thiên thể độc nhất trong Hệ Mặt trời. Khoa học đạt được nhiều tiến bộ nhờ vào việc nghiên cứu những ngoại lệ kỳ lạ. Tôi nghĩ Kleopatra là một trong những thiên thể đó. Hiểu được hệ thống nhiều tiểu hành tinh phức tạp có thể giúp chúng ta hiểu thêm về Hệ Mặt trời”, Franck Marchis, nhà thiên văn học tại Viện SETI ở Mountain View (Mỹ) và tại phòng thí nghiệm vật lý thiên văn Marseille (Pháp), cho biết.
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra hình dạng xương chó của Kleopatra vào khoảng 2 thập kỷ trước. Năm 2008, Marchis và các đồng nghiệp phát hiện ra Kleopatra có 2 mặt trăng quay quanh nên đặt tên là AlexHelios và CleoSelene - tên con của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Đài thiên văn phía Nam châu Âu (ESO) để quan sát tiểu hành tinh này từ năm 2017-2019. Khi tiểu hành tinh quay, kính thiên văn chụp nó từ các góc độ khác nhau để các nhà nghiên cứu tính toán về chiều dài và thể tích của tiểu hành tinh.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics hôm 9/9 cũng tiết lộ quỹ đạo chính xác cho 2 mặt trăng của Kleopatra. Nhà thiên văn học Miroslav Brož, người dẫn đầu nghiên cứu, đã tính toán khối lượng của tiểu hành tinh và nhận thấy tiểu hành tinh này thấp hơn 35% so với các ước tính trước đó.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, tiểu hành tinh Kleopatra quay rất nhanh. Với tốc độ quay này, những va chạm rất nhỏ có thể khiến tiểu hành tinh vỡ vụn và đây có thể là cách Alexhelios và Cleoselene hình thành. Những va chạm nhỏ với các mảnh vỡ trong không gian khác có thể đã khiến những viên đá nhỏ văng khỏi bề mặt của Kleopatra và tích tụ thành hai mặt trăng của tiểu hành tinh.
Các nhà thiên văn hy vọng sẽ có thêm thông tin chi tiết về tiểu hành tinh này trong những năm tới. Vào năm 2027, ESO sẽ cho ra mắt một đài quan sát mới có tên Kính thiên văn cực lớn (ELT).
“Tôi nóng lòng được quan sát Kleopatra bằng ELT để xem liệu tiểu hành tinh này có nhiều mặt trăng hơn không và tinh chỉnh quỹ đạo của chúng để phát hiện những thay đổi nhỏ”, Marchis nói./.