Ở Moscow, mùa đông đến vào tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Một mùa đông khắc nghiệt có thể xuất hiện đột ngột sau một đêm. Tuyết rơi và bão tuyết có thể cản trở hoạt động đi làm của hàng triệu người Moscow. Đáng ngạc nhiên là giao thông tại thành phố này vẫn chưa hề bị ngừng lại do tình trạng thời tiết đó.
Phương tiện công cộng và hệ thống dọn tuyết
Theo tiêu chuẩn của Nga thì Moscow chưa phải là thành phố đặc biệt lạnh – nhiệt độ trung bình ở đây vào mùa đông chỉ là âm 10 độ C, còn mức lạnh âm 30 độ C là hoàn toàn hiếm và không kéo dài.
Nhưng khi nhiệt độ xuống thấp như vậy, Moscow thường phải hứng chịu tuyết rơi nặng nề có khả năng làm gián đoạn giao thông. Trong các ngày đó, người Moscow được khuyên để ô tô tại nhà và chuyển sang dùng xe bus hoặc tàu điện ngầm để trách ách tắc giao thông và tai nạn giao thông.
Có các làn đường riêng cho giao thông công cộng trên nhiều tuyến đường của thủ đô Nga.
Việc chuyển sang dùng phương tiện công cộng là đặc biệt quan trọng vì sau tuyết rơi sẽ có một đợt thời tiết lạnh vừa và một đợt lạnh buốt, khiến các khối băng đen nguy hiểm xuất hiện trên các con đường, đe dọa sự an toàn của cả người bộ hành và phương tiện giao thông.
Hồi tháng 1/2019, Moscow hứng chịu đợt tuyết rơi tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ. Trên một đoạn quốc lộ ở phía nam thành phố, khoảng 50 chiếc xe hơi và xe tải đã làm ách tắc con đường trong vài tiếng đồng hồ sau khi gặp phải vài tai nạn nhỏ. Lúc đó, khoảng 14.000 đơn vị vệ sinh đường phố đã hoạt động cật lực để dọn tuyết trên phố. Có thêm 32.000 người nữa dùng tay trực tiếp dọn tuyết và băng theo cách thủ công.
Theo các quy định của thành phố, mỗi 10cm tuyết rơi ở Moscow phải được dọn trong vòng tối đa là 3 ngày. Nếu thêm 3cm thì được thêm 1 ngày nữa.
Khi tuyết rơi, các con phố phải được dọn dẹp liên tục bằng thiết bị đặc biệt. Quá trình dọn tuyết bắt đầu ngay khi có tuyết rơi. Khu vực được ưu tiên dọn tuyết là lối ra của ga tàu điện ngầm, trạm xe bus và bãi đỗ xe. Trong khi đó, tuyết phải được dọn khỏi các tuyến đường chính trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Số tuyết được hót sẽ được đưa tới các điểm dành riêng cho tuyết tan chảy (có khoảng 200 điểm như vậy trong thành phố). Các chất hóa học chống đóng băng cũng được sử dụng ở thành phố này.
Cửa kép ở ga tàu điện ngầm
Thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ rằng hệ thống tàu điện ngầm (metro) sẽ miễn nhiễm trước tác động của băng tuyết do nó nằm sâu dưới lòng đất. Điều này có phần đúng vì trong tình trạng thời tiết khắc nghiệt, metro là cách đáng tin cậy nhất để tới bất cứ nơi nào trong thành phố. Nhưng thời tiết siêu lạnh vẫn có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của hệ thống giao thông này.
Vào tháng 10, các lớp cửa thứ hai được lắp đặt tại các sảnh đi vào ga tàu điện ngầm để bảo vệ hành khách trước các cơn gió lạnh buốt thổi trực tiếp từ ngoài vào. Các tấm màn khí ấm được lắp tại lối vào để duy trì nhiệt độ bên trong. Các hệ thống sưởi được sử dụng để ngăn hiện tượng đóng băng ở khu vực bậc thềm dẫn tới sảnh vào của ga. Khi có tuyết rơi, người ta cũng chú ý đặc biệt đến việc loại bỏ tuyết khỏi các bộ phận phía trên mặt đất của ga tàu điện ngầm. Còn bên trong tàu điện ngầm thì đã có hệ thống thông khí và làm ấm riêng.
Kiểm tra xe chạy trên mặt đất
Hệ thống giao thông vận tải phía trên mặt đất phải trải qua quá trình kiểm tra kỹ thuật ngặt nghèo trước khi bắt đầu mùa đông. Người ta sẽ kiểm tra hệ thống sưởi và xi gắn ở cửa sổ. Hệ thống sưởi ấm được bật lên khi nhiệt độ bên ngoài là dưới 5 độ C. Vẫn theo quy định của thành phố Moscow, nhiệt độ bên trong xe phải từ 15 độ C trở lên. Các xe bus hiện đại có hệ thống điều hòa tự động điều chỉnh. Khi nhiệt độ từ 15 đến 21 độ C, các hệ thống đó hoạt động ở chế độ thông hơi, khi nhiệt độ cao hơn, hệ thống sẽ hoạt động ở chế độ làm mát, đảm bảo nhiệt độ bên trong ổn định ở mức 21 độ C.
Vào mùa đông, cả xe bus và xe điện hoạt động theo lịch trình của mùa này, với tần suất cao hơn mùa hè. Sự thay đổi này vừa là do thời tiết vừa là do có nhiều người trở lại thành phố và trường học sau kỳ nghỉ./.