5 ngày sau khi xảy ra vụ cháy lớn tại nhà máy hóa chất Lubrizol nằm ở thành phố Rouen, tỉnh Seine-Maritime, miền Bắc nước Pháp, giới chức Pháp đã công bố danh sách hơn 5.000 tấn hóa chất đã bị phát tán vào không khí sau vụ cháy. Vụ cháy đang thực sự khiến người dân sinh sống trong khu vực lo lắng, cuộc sống bị đảo lộn.

rouen_fire_factory_ywez.jpg
Cuộc sống dân Pháp đảo lộn sau vụ cháy nhà máy hóa chất. Ảnh: The Independent

Sau khi nhà máy hóa chất Lubrizol bị lửa thiêu rụi, sức ép của người dân Pháp lên chính phủ ngày càng gia tăng xung quanh các biện pháp về môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết các thông tin liên quan tới quá trình điều tra vụ cháy sẽ được cập nhật hàng ngày tới người dân.

Cơ quan cảnh sát tỉnh Seine-Maritime ngay sau đó đã công bố danh sách 5.253 tấn hóa chất đã bị đốt cháy trong vụ hỏa hoạn hôm 26/9 vừa qua tại nhà máy hóa chất Lubrizol. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là một số hóa chất như amiăng, một loại hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng ở Pháp từ năm 1997, dioxin và một số chất độc hại khác có thể đã phát tán ra khu vực dân cư xung quanh.

Trong cuộc họp báo hôm 1/10, ông Pierre-André Durand, cảnh sát trưởng tỉnh Seine-Maritime cho biết, theo kết quả phân tích gần nhất, cơ quan chức năng chưa ghi nhận nguy cơ liên quan tới chất amiăng trong không khí. Tuy nhiên, người dân cũng được cảnh báo về khả năng nhiều mảnh vụn có chứa chất amiăng đã bị phát tán ra khu vực dân cư.

Hiện tại, việc thu gom mảnh vụn sau cháy và tẩy rửa tại các khu vực lân cận, đặc biệt trên sông Seine và tại hiện trường vụ cháy đang được tiến hành khẩn trương.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu nhà máy bị cháy, tại buổi họp báo ngày 2/10, ông Pierre-André Durand nhấn mạnh: "Như tôi đã nói, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp triển khai một loạt các biện pháp cụ thể, đặc biệt là việc di dời các thùng phuy trong nhà máy theo cách thức mà tôi đã phê duyệt ngày hôm qua. Việc di dời này sẽ có thể bắt đầu trong vài ngày tới. Doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Tôi nhắc lại, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ về mặt tài chính cũng như trách nhiệm dân sự".

Hàng nghìn người dân thành phố Rouen tiếp tục xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ Pháp cần minh bạch trong công tác điều tra và đánh giá các tác hại đến môi trường và sức khỏe người dân sau vụ cháy. Trong những ngày này, cuộc sống của họ thực sự đảo lộn do không khí bị ô nhiễm, mùi khó chịu vẫn còn dễ dàng cảm nhận được tại khu vực xung quanh nhà máy hay gặp khó khăn trong lựa chọn các sản phẩm lương thực, thực phẩm được sản xuất trong khu vực. Chủ các trang trại hay các tiểu thương là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ./.