Trong số 5 ứng viên tiềm năng của Đảng Bảo thủ có hai "bóng hồng” là Bộ trưởng Nội vụ Theresa May và Bộ trưởng Năng lượng biến đổi khí hậu Andrea Leadsom. Cương lĩnh tranh cử của các ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Cameron hiện đang bị chia rẽ về con đường ra khỏi Liên minh châu Âu của nước Anh (Brexit).

ung_vien_thu_tuong_anh_nfii.jpg
Bà Theresa May, ứng viên cho chức Thủ tướng Anh. Ảnh: Telegraph.

Hôm 4/7 cựu Thị trưởng Boris Johnson đồng thời là thủ lĩnh hàng đầu của phe vận động nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức tuyên bố ủng hộ Bộ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom trở thành nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc giữ chức Thủ tướng Anh.

Ông Boris Johnson ca ngợi bà Leadsom 53 tuổi là người rất thích hợp để tạo dựng mối quan hệ mới giữa Anh và Liên minh châu Âu trong kỷ nguyên hậu Brexit vì bà là một chuyên gia về Liên minh châu Âu, đồng thời là nhân vật đi đầu trong chiến dịch vận động Anh rời EU vừa qua...Trong khi đó, ngoại trưởng Anh Philip Hammond lên tiếng ủng hộ Bộ trưởng Nội vụ nước này bà Theresa May trở thành người kế nhiệm Thủ tướng David Cameron, cho rằng nữ bộ trưởng cá tính này có đường lối thực tế để đạt được thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (EU) một cách tốt nhất cho nước Anh trong thời điểm thách thức hiện nay.

Trong cuộc chạy đua vào chức Thủ tướng Anh còn có Bộ trưởng Tư Pháp Michael Gove, Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Stephen Crabb  và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox. Hồi đầu tuần, mặc dù được coi là ứng cử viên hàng đầu thay thế Thủ tướng Cameron nhưng ông Boris Johnson đã bất ngờ tuyên bố không ra tranh cử vào vị trí thủ lĩnh đảng Bảo thủ, cũng là Thủ tướng Anh.

Trước sự chia rẽ giữa các ứng cử viên hàng đầu về việc khi nào nước Anh nên kích hoạt Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon – bắt đầu tiến trình chính thức để rời khỏi EU- và liệu Thủ tướng tiếp theo có nên là người ủng hộ Brexit ngay từ vòng vận động trong cuộc trưng cầu ý dân hay không, bà Leadsom nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, các cuộc đàm phán về Brexit kết thúc càng sớm càng tốt. Không phải là nước Anh không muốn là bạn với Liên minh châu Âu, mà việc này cần phải dứt khoát và không nên kéo dài. Tuy vậy, nước Anh và EU vẫn cần phải đàm phán trước khi nước Anh kích hoạt điều 50 trong Hiệp ước Lisbon về sự ra đi của mình. Bởi vì một khi nước Anh thực hiện điều này thì toàn bộ tiến trình sau đó sẽ được khởi động."

Ứng viên Theresa May và Michale Gove có cùng quan điểm, cho rằng, nước Anh chỉ nên bắt đầu tiến trình “ly hôn” một khi đã có được “chiến lược toàn diện” cho một mối quan hệ mới với EU. Tuy nhiên bà Theresa May không đồng ý với nhận định cho rằng Thủ tướng tiếp theo nên là người vận động ủng hộ Brexit đồng thời là đại diện đúng đắn cho nước Anh trong các cuộc đàm phán Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, mà cho rằng, Thủ tướng mới không chỉ tập trung vào vấn đề Brexit mà phải có khả năng lãnh đạo toàn bộ đất nước.

Bà May nói: “Tôi không nghĩ rằng có một thời hạn cụ thể cho vấn đề này. Điều quan trọng là chúng ta làm trong khoảng thời gian đúng đắn nhất và làm gì để có lợi cho Vương quốc Anh. Vì thế, không nên kích hoạt ngay Điều 50 mà cần phải trải qua một tiến trình đàm phán với EU. Tiến trình đó không cần phải kết thúc trong năm nay mà có thể sẽ phải mất tới 2 năm. Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải giải quyết ngay chính là kiểm soát vấn đề nhập cư và đạt được thỏa thuận tốt nhất với EU về hàng hóa, dịch vụ thương mại”.

Các cuộc khảo sát vừa qua của YouGov PLC cho thấy bà Theresa May được yêu thích và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn, đặc biệt trong nội bộ Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, theo một thăm dò công bố ngày 4/7 ngay sau khi nhận được sự ủng hộ của Thị trưởng London Boris Johnson thì nữ Bộ trưởng Leadsom bất ngờ vượt lên dẫn trước với tỷ lệ 38% và bà May 37%. Theo quy định, 2 người tiềm năng nhất trong 5 ứng viên hàng đầu sẽ được các nghị sĩ Đảng Bảo thủ bắt đầu bầu chọn từ tuần này và người chiến thắng cuối cùng sẽ được công bố vào đầu tháng 9 tới./.