Có thể thấy màn trục xuất ngoại giao giữa các quốc gia dường như chưa có hồi kết, đẩy mối quan hệ giữa Nga và châu Âu xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Romania là quốc gia châu Âu mới nhất tuyên bố trục xuất nhà ngoại giao Nga để thể hiện tình đoàn kết với CH Séc. Anh hôm qua cũng áp đặt trừng phạt 14 quan chức Nga với cáo buộc có liên quan tới cái chết của luật sư Sergei Magnitsky khi bị giam giữ trong tù vào năm 2009. Việc các nước châu Âu dồn dập trục xuất nhà ngoại giao Nga có nhiều lý do, từ việc thể hiện tính đoàn kết với CH Séc trong cáo buộc Nga liên quan tới vụ nổ kho đạn vào năm 2014 đến các cáo buộc gián điệp như trong trường hợp của Italy.
Đáp trả lại, Nga hôm 26/4 cũng thông báo trục xuất phó tùy viên hải quân Italy và trục xuất một nhà ngoại giao Ukraine.
Tổng thống Nga Putin trước đó ký sắc lệnh về các biện pháp đáp trả hành động không thiện chí của nước ngoài, với cảnh báo các nước không nên vượt qua lằn ranh đỏ của Nga: “Bất cứ ai đe dọa lợi ích an ninh của nước Nga sẽ phải hối tiếc. Chúng tôi sẽ đặt ra các ranh giới đỏ trong từng vấn đề cụ thể và các nước không nên vượt qua những ranh giới đỏ của Nga”.
Bất chấp các màn trả đũa đối đầu nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy châu Âu cũng không muốn đẩy mức độ căng thẳng trong 3 bất đồng lớn với Nga.
Trước hết là liên quan đến cáo buộc đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Là một quốc gia lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Nga liên quan đến vụ việc, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm qua cho rằng, không nên đối đầu mà cần tiếp tục đối thoại với Nga. Sau Đức, Áo cũng lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Trong khi các nước EU vẫn đang bàn bạc chuyện có tiếp tục trục xuất quan chức và nhân viên ngoại giao Nga để thể hiện tình đoàn kết với CH Séc hay không, Tổng thống Séc Milos Zeman hạ nhiệt tình hình, khi cho rằng không nên vội vã kết luận cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra chính thức.
Ông Zeman nói: “Séc đang thúc đẩy theo hai hướng điều tra. Gián điệp Nga gây ra vụ nổ kho đạn năm 2014 ở Séc chỉ là một trong hai giả thuyết và không thể loại trừ khả năng đó là một vụ tai nạn. Cả hai giả thuyết cũng quan trọng và chúng ta cần phải điều tra cẩn thận”.
Trong khi đó, những căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc chiến Ukraine cũng có cơ hội hạ nhiệt khi Nga rút dần quân gần biên giới Ukraine và hai bên đều để ngỏ khả năng đối thoại.
Thực tế bản chất đối đầu Nga - Mỹ hay Nga - phương Tây có liên quan tới cuộc cạnh tranh địa - chính trị và tranh giành ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi. Do đó khả năng đối đầu và phát sinh các mẫu thuẫn ngoại giao là khó tránh khỏi. Đối đầu, văng thẳng, trừng phạt đáp trả lẫn nhau dai dẳng và kéo dài hàng chục năm qua. Tuy nhiên bên cạnh sự đối đầu, hai bên cũng chứng kiến những lĩnh vực hợp tác chiến lược, trong đó phải kể đến một loạt hồ sơ quốc tế nóng thế giới. Hay nói cách khác, EU cũng luôn tính đến lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy đối thoại với Nga. Vì vậy hai bên vẫn luôn biết cách “dừng đúng lúc” và kiềm chế nhất định để mối quan hệ có tầm ảnh hưởng này không bị phá vỡ hoàn toàn./.