Cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đang có những tiến triển tích cực. Các lực lượng người Kurd tại Syria ngày 18/10 đã đẩy lùi được một cuộc tấn công mới của nhóm Nhà nước Hồi giáo, trong khi quân đội Iraq, với sự khích lệ của bầu không khí chính trị trong nước cũng bắt đầu các chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực miền Bắc.
Chính phủ Mỹ ngày 18/10 ra tuyên bố khẳng định “những tín hiệu tích cực" trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria. Trong 48 giờ qua, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành 25 đợt không kích nhằm vào các vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria, đặc biệt là tại các khu vực gần thành phố chiến lược Kobani và các cơ sở dầu mỏ do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Những đợt không kích dữ dội này đã giúp cắt đứt các nguồn tài chính cho nhóm nổi dậy.
Trong khi đó, với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu Mỹ, lực lượng người Kurd ở thành phố Kobani, miền Bắc Syria ngày 18/10 đã đẩy lùi được một cuộc tấn công mới của nhóm Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách cô lập khu vực người Kurd này với thế giới bên ngoài.
Cùng ngày, quân đội Iraq cũng bắt đầu đẩy mạnh các chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực miền Bắc bị rơi vào tay nhóm nổi dậy, trong bối cảnh sau nhiều tháng căng thẳng chính trị, quốc gia Trung Đông này cũng đã thành lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Bởi dù phải đối mặt với các cuộc không kích liên miên do liên quân quốc tế tiến hành ở cả Iraq và Syria, song nhóm Nhà nước Hồi giáo dường như vẫn không hề suy yếu, mà thậm chí còn không ngừng gia tăng ảnh hưởng, mở rộng phạm vi hoạt động.
Theo tờ Thời báo Ấn Độ (Times of India), tại một cuộc mít tinh vừa diễn ra ở thành phố cổ Srinagar thuộc bang Jammu-Kashmir của Ấn Độ, người ta đã thấy một số thanh niên đeo mặt nạ mang theo cờ của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Đây là lần thứ tư cờ của nhóm nổi dậy xuất hiện tại khu vực này trong vòng 3 tháng qua.
Trong bối cảnh này, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn kiên quyết từ chối lời kêu gọi triển khai bộ binh của chính quyền Iraq, do lo ngại bị sa lầy vào một cuộc chiến hao người tốn của như tại Afghanistan hay Iraq trước đây. Dù đều thừa nhận, Nhà nước Hồi giáo là một khối ung thư cần phải loại bỏ, song các nước phương Tây đều không dám mạo hiểm đẩy cuộc chiến đi xa hơn.
Sau Mỹ, lần lượt các nước như Anh, Australia hay Tây Ban Nha tuyên bố loại trừ khả năng gửi bộ binh và sẽ tập trung vào công tác huấn luyện các lực lượng quân đội địa phương.
Một quan chức Anh nói: “Tôi cho rằng, công tác huấn luyện này sẽ giúp các lực lượng người Kurd sử dụng thành thạo các thệ thống vũ khí được nước ngoài cung cấp. Điều này sẽ giúp đảo ngược xu hướng trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù muốn hay không, Mỹ và các đồng mình cũng đã dấn thân vào một cuộc chiến dài hơi, có thể sẽ kéo dài hàng tháng và thậm chí hàng năm. Bởi trong khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo đang ngày càng mở rộng hoạt động, thì công việc huấn luyện quân đội địa phương mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Chưa kể cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo còn có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với khu vực, mà Iraq hiện nay là bài học rõ nhất./.