Ngày 15/9, đại diện ngoại giao của 29 nước tham dự hội nghị tại Paris, Pháp bàn về an ninh và hòa bình ở Iraq bày tỏ ủng hộ một liên minh mà Mỹ xây dựng nhằm đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (IS).
Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên thảo luận các kế hoạch đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, đúng như dự đoán trước thềm hội nghị, do bất đồng giữa các nước tham gia vẫn chưa được thu hẹp, nên hội nghị kết thúc với những cam kết chung chung, không đề cập đến bất cứ vai trò cụ thể nào của các nước trong cuộc chiến đối phó với IS.
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh con tin phương Tây thứ 3 vừa bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo hành quyết.
Vì vậy, tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị nêu rõ, "các phần tử cực đoan nhóm Nhà nước Hồi giáo là mối đe doạ không chỉ đối với Iraq mà còn đối với toàn thể cộng đồng quốc tế", đồng thời nhấn mạnh "sự cấp thiết phải loại bỏ nhóm phiến quân khỏi những khu vực mà tổ chức này đã thiết lập tại Iraq”.
Bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới ở Iraq, đại diện ngoại giao các nước châu Âu và vùng Vịnh cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Iraq, hối thúc giới chức Baghdad tăng cường luật pháp và thực hiện một chính sách công bằng với tất cả các thành phần trong xã hội để bảo đảm thành công của cuộc chiến chống IS cũng như các tổ chức khủng bố.
Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên thảo luận về các biện pháp đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo kể từ khi nhóm vũ trang này mở rộng hoạt động tại Iraq và Syria.
Tuy nhiên, diễn ra trong bối cảnh các nước tham dự hội nghị vẫn bất đồng về thành phần tham dự, cũng như cách thức đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo, nên việc hội nghị chỉ đưa ra các tuyên bố chung chung là điều có thể dự đoán được.
Iran và Syria, hai nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS lại không được mời đến tham dự hội nghị lần này.
Phía Nga, với đại diện là Ngoại trưởng Sergei Lavrov chỉ trích việc không mời Syria và Iran dự hội nghị. Ông Lavrov nhấn mạnh rằng, Syria và Iran là những đồng minh bắt buộc phải có trong nỗ lực đối phó với IS và các nước không nên đưa ra “tiêu chuẩn kép” trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Lavrov nói: “ Chúng tôi đã thảo luận các khả năng để hỗ trợ cho chính quyền Iraq, đảm bảo khả năng lớn hơn của nước này đối phó với chủ nghĩa khủng bố và tăng cường an ninh. Chúng tôi cũng trợ giúp theo những cách khác nhau để tăng cường khả năng của Iraq. Chúng ta cũng cần hỗ trợ quân sự và các điều kiện khác cho Syria và các nước khác trong khu vực”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond khẳng định, nước này sẽ đóng vai trò hàng đầu trong nỗ lực đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng nước Anh vẫn chưa đưa ra quyết định về việc làm thế nào để đóng góp tốt nhất cho nỗ lực của liên minh chống IS. Ông Hammond cũng bày tỏ hi vọng, Iran sẽ cùng tham gia liên minh đối phó với IS.
Ông Hammond nói: “Tôi nghĩ khó có khả năng Iran sẽ trở thành một nước thành viên đầy đủ và tích cực trong liên minh. Tuy nhiên, chúng ta nên tiếp tục hi vọng rằng Iran sẽ có những bước đi phù hợp với định hướng mà liên minh đang thúc đẩy. Chúng ta có thể hi vọng Iran sẽ hợp tác với kế hoạch mà liên minh đang đặt ra. Nếu không phải là thành viên tích cực thì Iran cũng cần đóng góp một phần trong hoạt động của liên minh”.
Tuy nhiên, phát biểu sau hội nghị, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bác bỏ khả năng phối hợp với Iran trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào do Mỹ dẫn đầu, mặc dù vẫn để ngỏ khả năng thảo luận về vấn đề này, khi hai nước có thể gặp nhau bên lề cuộc đàm phán tại Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 này.
Hiện một số nước Arab, trong đó nhiều khả năng là Saudi Arabia cũng sẽ phản đối sự hiện diện của Iran trong liên minh chống IS.
Một số nước tham gia hội nghị cũng cho rằng, cần phải đề cập các biện pháp ngoại giao để mở ra cánh cửa hợp tác với Syria, nơi nhóm phiến quân IS đang kiểm soát một phần lãnh thổ, nhưng Mỹ và một số nước châu Âu hiện vẫn bác bỏ khả năng hợp tác với chính phủ Syria trong cuộc chiến chống IS.
Rõ ràng với những bất đồng hiện nay, một liên minh rộng lớn như Mỹ mong đợi khó có thể sớm đưa ra một kế hoạch hành động chung đối phó với IS.
Chính vì vậy, một số nước đang thúc đẩy các kế hoạch riêng rẽ của mình để ngăn đà mở rộng vùng kiểm soát của nhóm phiến quân này tại Iraq.
Ngày 15/9, máy bay chiến đấu của Mỹ tiến hành các vụ không kích đầu tiên nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo gần thủ đô Baghdad.
Đầu tháng 9, Mỹ bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của IS tại phía bắc Iraq. Thông báo ngày 15/9 của Mỹ đánh dấu việc nước này mở rộng qui mô chiến dịch không kích của mình tại Iraq.
Pháp cũng đã cử các máy bay chiến đấu tới Iraq, một bước đi tiến gần hơn đến việc nước này trở thành đồng minh đầu tiên tham gia vào chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu tại Iraq.
Một hội nghị quốc tế chống Nhóm nhà nước Hồi giáo khác có thể sẽ được tổ chức tại Bahrain, nhằm tìm cách cắt đứt các nguồn tài chính và dòng chảy những kẻ ủng hộ gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên ngày cụ thể tổ chức hội nghị này vẫn chưa được công bố./.