Ngày 15/9, tại Thủ đô Paris, Pháp diễn ra hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh Iraq. Hội nghị nhằm xác định chiến lược chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo đang ngày càng cho thấy mức độ tàn bạo và tư tưởng cực đoan lớn hơn nhiều so với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo đang là mối bận tâm lớn của chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây. 

is_qyis_yhqh.jpgPhiến quân IS đang là nỗi ám ảnh đối với an ninh của Mỹ và phương Tây (Ảnh AP)

Ngặn chặn các nguồn tài chính, cung cấp hay tuyển mộ các lực lượng thánh chiến, kiểm soát biên giới và đào tạo, huấn luyện quân đội  Iraq,…là một số trong rất nhiều thách thức mà các nhà lãnh đạo quốc tế phải giải quyết tại Hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh Iraq lần này. 

Cuộc gặp diễn ra gần 2 ngày sau khi nhóm nổi dậy này công bố đoạn băng ghi lại cảnh hành quyết một nhà hoạt động nhân đạo người Anh và là con tin nước ngoài thứ 3 bị sát hại, gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.  

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 14/9 đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, với sự tham dự của đại diện tất cả các bộ ngành và các lãnh đạo quân sự cấp cao nhằm cân nhắc các lựa chọn chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Thủ tướng Cameron nhấn mạnh: “Chúng ta không thể làm như không có chuyện gì xảy ra nếu muốn đảm bảo an ninh đất nước. Cần phải đối mặt với mối nguy cơ này. Từng bước một, chúng ta phải đấu tranh, truy lùng và cuối cùng là triệt phá hoàn toàn nhóm Nhà nước Hồi giáo và những chân rết của nó. Chúng ta sẽ hành động một cách bình tĩnh, cẩn trọng và với một quyết tâm sắt đá”.

Một trong những chủ đề được quan tâm tại hội nghị là việc phác thảo những đường nét cơ bản của một liên minh quốc tế chống lại Nhà nước Hồi giáo. Kể từ khi tăng cường hoạt động từ đầu tháng 3 đến nay, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã nổi lên là lực lượng thánh chiến có quy mô lớn và trở thành thách thức lớn về an ninh khu vực và thế giới.

Tính đến nay, nhóm Nhà nước Hồi giáo đã chiếm đóng một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc Iraq và Syria. Các cuộc tấn công và chiếm đóng do  nhóm này tiến hành đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa, đẩy Iraq tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới.

Phát biểu sau chuyến thăm Iraq 3 ngày, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân đạo Valery Amos khẳng định, hội nghị tại Paris là một bước đi kịp thời: “Việc tổ chức hội nghị quốc tế về hòa bình và an ninh Iraq là một bước đi cần thiết, khi mối nguy cơ từ nhóm Nhà nước Hồi giáo đang đẩy Iraq tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo cực kỳ nghiêm trọng. Hơn 1,8 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ đầu năm. Dòng người này đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn về chỗ ở, khi hơn 1 nửa trong số các gia đình phải dựng lều tại các công viên, trong khi một số khác phải ngủ ngoài trời hay bên lề đường”.

Tuy nhiên, việc thành lập một liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước hồi giáo là một thách thức không hề nhỏ do những bất đồng nội bộ gay gắt giữa các nước liên quan, trong khi sáng kiến này lại chưa thu hút được sự tham gia của các quốc gia có vai trò then chốt.

Một minh chứng cụ thể là danh sách các nước sẽ tham dự cũng như những nước đồng ý tham gia liên minh quốc tế của Mỹ vẫn chưa rõ ràng. Theo nhà nghiên cứu Romain Caillet, thuộc Viện Trung Đông (Pháp), hội nghị sẽ không đạt được mục đích. Làm suy yếu nhóm Nhà nước hồi giáo hay giáng một đòn mạnh vào  nhóm nổi dậy này hoàn toàn nằm trong tầm tay của Mỹ. Song 30 năm qua đã cho thấy rất khó có thể xóa sổ được  một tổ chức khủng bố.

Ông Romain Caillet cũng nhắc lại rằng, hơn 30 năm qua, Mỹ đã không thành công trong việc đẩy lùi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Vì thế, Mỹ sẽ không thể thành công trong cuộc chiến chống nhóm Nhàn nước Hồi giáo và có thể sẽ buộc phải tiến hành các chiến dịch bí mật, song điều này, lại dường như lại rất khó để triệt tật gốc mối nguy cơ.

Một điều dễ nhận thấy là khác với hai cuộc chiến năm 1991 và năm 2003 chống lại chế độ cầm quyền Iraq, trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo lần này, Mỹ và các nước đồng minh sẽ phải đối đầu với một tổ chức thánh chiến cực đoan, thiện chiến, được trang bị tốt, có nguồn tài chính dồi dào và thành viên đông đảo, trong đó có hàng nghìn công dân phương Tây.

Dù muốn hay không, Mỹ cũng sẽ bị kéo vào hai cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria và Iraq, cũng như cuộc xung đột bè phái và sắc tộc trên quy mô khu vực. Mặt trận sẽ không chỉ giới hạn ở Syria và Iraq mà cả các nước khác trong khu vực như Lebanon, Jordan mà thậm chí tại các trung tâm đầu não của phương Tây./.