Trong bối cảnh nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo, đang nắm giữ một phần 3 lãnh thổ của Iraq và Syria, tuyên bố cuộc chiến nhằm vào phương Tây và thành lập một nhà nước của người Hồi giáo tại trung tâm của thế giới Arab, Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc thảo luận về những khả năng hợp tác giữa các nước, đóng góp cho kế hoạch quân sự chung nhằm đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo.

obama2_gapq.jpgTổng thống Mỹ Obama và Quốc vương Saudi Arabia (Ảnh Newsthatmatter)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết: “Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực thành lập một liên minh đối với các nước ở châu Âu và thế giới Arab và có thể rộng rãi hơn để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Có nhiều cách đóng góp bao gồm hỗ trợ nhân đạo, quân sự, tình báo, ngoại giao. Chúng tôi biết đây không chỉ là một nỗ lực đòi hỏi từ nước Mỹ mà còn cần sự tham gia của nhiều nước”.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu có bao nhiêu quốc gia sẽ tham gia vào kế hoạch do Mỹ dẫn đầu này.  Một số nước châu Âu như Anh và Pháp đã trải qua những “kinh nghiệm” về việc tham gia vào một liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Vì vậy, các nước đang khá do dự đối với kế hoạch quân sự chung của Mỹ.

Đại sứ quán Anh tại Mỹ cho biết chưa nhận được yêu cầu của Mỹ tiến hành các vụ không kích tại Syria.

Đức đang quá trình đối thoại với Mỹ và các đối tác quốc tế khác về khả năng can thiệp quân sự nhằm vào nhà nước Hồi giáo, nhưng khẳng định sẽ không tham gia bất cứ hành động quân sự nào tại Syria.

Australia cũng cho biết, nước này sẽ tiếp tục các hoạt động viện trợ nhân đạo tại Iraq, nhưng chưa khẳng định sẽ tham gia vào hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Theo Thủ tướng Australia Tony Abbott, đối phó với nhóm nhà nước Hồi giáo là cần thiết nhưng vai trò của Australia đối với bất kì yêu cầu nào của Mỹ và các đồng minh khác sẽ dựa trên việc có đạt được các mục đích nhân đạo hay không cũng như đánh giá cẩn thận nguy cơ khi tham chiến.

Ông Abbott cho biết: “Đây là một nhóm phiến quân có những hành động tàn bạo như thời trung cổ, nhưng lại nắm trong tay những công nghệ hiện đại. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của nhóm phiến quân này. Một số người Australia cũng đã tham gia vào hoạt động cực đoan của nhóm phiến quân này, nên đây cũng là vấn đề của Australia”.

Pháp hiện cũng khá do dự  tham gia vào kế hoạch quân sự chung này với Mỹ, vì Tổng thống Mỹ Barack Obama đã  bác bỏ tiến hành tấn công quân sự vào Syria vào năm ngoái trước lời kêu gọi của các đồng minh.

Một quan chức cấp cao của Pháp cho rằng, sau những quyết định của Mỹ đối với Syria vào năm ngoái, nước Pháp cần phải nhận được sự đảm bảo chắc chắn khi tham gia bất kì một chiến dịch chung nào với Mỹ.

Không chỉ tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Âu, Mỹ hiện cũng gia tăng những nỗ lực xây dựng một liên minh rộng rãi để đối phó với nhóm vũ trang Hồi giáo ở cả Iraq và Syria. 

Tuy nhiên, những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Qatar, Jordan,… đều bày tỏ mong muốn làm suy yếu nhóm vũ trang này, nhưng không đưa ra các dấu hiệu cho thấy sẵn sàng tham gia một hành động quân sự chung.

Trong bối cảnh các nước còn do dự, giới quan sát cho rằng, Mỹ có thể hành động một mình nếu cần thiết. Các quan chức cấp cao Nhà trắng sẽ có cuộc gặp trong tuần này để thảo luận một chiến lược cho việc mở rộng các cuộc không kích nhằm vào nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, kế hoạch đánh bại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Syria sẽ đối mặt với nhiều thử thách hơn so với tại Iraq.

Trong khi chính phủ Iraq hoan nghênh vai trò của Mỹ trong các cuộc không kích nhằm tấn công nhóm phiến quân thì Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảnh báo, bất kì cuộc tấn công nào tiến hành mà không được phép của chính phủ sẽ được coi là hành động hiếu chiến, có khả năng đẩy liên minh do Mỹ dẫn đầu vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn với Syria.

Hình ảnh phóng viên người Mỹ bị nhóm Nhà nước Hồi giáo giết hại cùng tin tức về số người phương Tây đang tham gia cuộc chiến của nhóm nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông càng làm gia tăng mối quan ngại không chỉ của Mỹ mà còn cả các nước châu Âu.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama sẽ kêu gọi triệu tập một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới để thảo luận những nguy cơ khi các tay súng cực đoan nước ngoài trở về nước.

Pháp cũng đang có kế hoạch tổ chức một hội nghị khác vào tháng tới để phối hợp các nỗ lực giữa những quốc gia phương Tây và Arab đối phó với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo./.