Khi nào Anh sẽ chính thức rời EU?
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh không có tính chất ràng buộc pháp lý nhưng đích thân Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố “mọi kết quả phải được tôn trọng” và nếu người dân Anh lựa chọn Brexit, Chính phủ Anh sẽ ngay lập tức khởi động tiến trình đàm phán nhằm rút khỏi Liên minh châu Âu.
Liệu Anh có thể "sống khỏe" nếu rời khỏi EU? Ảnh AP |
Theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon về tư cách thành viên của EU, muốn rút khỏi EU, Vương quốc Anh cần chính thức công bố ý định này trước Hội đồng châu Âu.
Một điều trùng hợp là phiên họp gần nhất của Hội đồng châu Âu chính là vào 2 ngày 28 và 29/6 tới và một trong những nội dung chủ chốt là bàn về Brexit. Vì thế, Vương quốc Anh sẽ phải chính thức công bố quyết định rời EU của mình tại Hội đồng châu Âu trong những ngày tới.
Sau đó, một giai đoạn quá độ để chuẩn bị cho việc rút khỏi EU sẽ được khởi động, thông thường kéo dài khoảng 2 năm nhưng cũng có thể dài hơn nhằm đạt sự đồng thuận trong toàn bộ EU.
Trong 2 năm này, EU và Anh sẽ thảo luận về các cơ chế của việc rút lui, trong đó quan trọng nhất là về các Hiệp định liên quan đến thương mại, tự do lưu thông và việc tiếp cận của Vương quốc Anh vào khối Thị trường chung.
Bộ Ngoại giao Anh vài ngày trước đã phát đi thông báo cho biết các thỏa luận và đàm phán này, nhất là về thương mại, có thể cần tới cả thập kỷ để hoàn tất.
Thủ tướng Anh David Cameron có từ chức?
Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây trên Tạp chí Times, Thủ tướng Anh tuyên bố ông sẽ không từ chức kể cả khi Brexit xảy ra. “Đó không phải là phán quyết đối với một người mà đối với một vấn đề” – ông Cameron tuyên bố.
Tuy nhiên, sau khi kết quả chung cuộc thuộc về phe Brexit, Thủ tướng Anh đã tuyên bố sẽ từ chức trong vòng 3 tháng tới và tôn trọng quyết định của người dân Anh.
Trên thực tế, quyết định này của ông Cameron có thể là đúng đắn. Bởi dù ngay trước thời điểm công bố chính thức kết quả cuộc trưng cầu dân ý, 84 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của ông David Cameron cũng đã ký chung một bức thư ủng hộ việc ông Cameron tiếp tục ở lại làm Thủ tướng Anh bất chấp chiến dịch ủng hộ Anh ở lại EU do chính phủ của ông dẫn đầu đã thất bại cay đắng. Song khả năng ông sẽ phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Quốc hội là rất lớn. Việc này sẽ diễn ra với điều kiện cần là có ít nhất 50 nghị sĩ yêu cầu và phe đối lập hoàn toàn đủ khả năng huy động số lượng này.
Câu hỏi đặt ra lúc này khá bất ngờ cho nước Anh là ai sẽ là Thủ tướng mới của Anh và người đó có đủ khả năng đưa quốc gia này vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn sắp tới- khi mà nước Anh phải hứng chịu những hậu quả nặng nề ngay sau khi chia tay EU.
Rất có thể cựu Thị trưởng London, Boris Johnson, người cầm đầu phe ủng hộ Brexit, có thể sẽ là gương mặt sáng giá nhất.
Trưng cầu dân ý Brexit: người dân Anh “vẫy tay từ biệt” EU
Liệu có hiệu ứng domino tại châu Âu?
Đây là lo ngại lớn nhất của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò tại nhiều quốc gia cho thấy người dân các nước như CH Czech, Italy hay Pháp đa số đang muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tương tự nước Anh.
Nhiều nhà phân tích dự đoán Brexit có thể sẽ tạo hiệu ứng domino, kéo theo Czexit (Séc rời EU) hay Slovexit (Slovenia rời EU) và thậm chí là Frexit (Pháp rời EU, dù nguy cơ không cao).
Điều nghiêm trọng nhất của Brexit là sự kiện này sẽ khiến uy tín và sức mạnh của EU bị suy giảm nghiêm trọng, khiến các phong trào bài châu Âu được tiếp thêm sức mạnh và có thể tạo đà cho các đảng cực đoan lên nắm quyền tại các quốc gia thành viên EU và đó có thể là khởi đầu của sự sụp đổ của EU.
Trước mắt, việc Vương quốc Anh rời EU sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong khối. Anh là nước đứng đầu khối các nước theo đường lối kinh tế tự do (gồm các nước khác như Hà Lan, Séc...) nên việc Anh rời bỏ EU sẽ khiến sức mạnh của nhóm này trong Hội đồng châu Âu suy giảm, đặc biệt trong các tranh luận về đường lối kinh tế.
Theo quy định mới đưa ra tháng 11/2014 về việc bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu, một thiểu số có quyền phong tỏa một quyết định của Hội đồng nếu thiểu số đó bao gồm ít nhất 4 quốc gia thành viên và chiếm ít nhất 35% dân số của khối.
Sẽ có “chiến thắng bất ngờ” cho cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh?
Khi Anh rời EU, nhóm “tự do” sẽ mất đi thành viên đông dân nhất và dân số của nhóm này (Anh, Hà Lan, Séc) sẽ giảm từ 25% xuống còn 15% dân số EU. Khi đó, nhóm “tự do” sẽ cần sự ủng hộ của những nước lớn vốn có truyền thống “bảo thủ” như Đức nếu muốn thông qua các chính sách kinh tế theo hướng mong muốn.
Về tổng thể, việc Anh rời EU sẽ đem lại thêm quyền lực cho hai cường quốc khác trong khối là Đức và Pháp. Trước đây, cuộc chơi trên bàn cờ kinh tế EU là giữa 3 nước Đức-Pháp-Anh nên nay khi Anh rút đi, Đức-Pháp sẽ là bộ đôi nắm quyền điều khiển và tiếng nói của Berlin, Paris sẽ có sức nặng hơn.
Tương lai của Scotland sẽ ra sao?
Trong khi người dân Vương quốc Anh lựa chọn Brexit thì đa số cử tri Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ việc ở lại trong Liên minh châu Âu.
Giải quyết mâu thuẫn này ra sao là việc không đơn giản với chính quyền London bởi thủ lĩnh của đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon từng tuyên bố nếu Vương quốc Anh ra khỏi EU thì đảng SNP sẽ phát động yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành quốc gia độc lập.
“Việc Scotland phải đứng ngoài EU dù chúng tôi đã bỏ phiếu ở lại sẽ là một hành động phi dân chủ căn bản’, bà Sturgeon tuyên bố.
Năm 2015, Scotland đã tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập nhưng khi đó đa số người dân Scotland đã chọn phương án ở lại trong Vương quốc Anh. Tuy nhiên, với việc Brexit diễn ra, kịch bản về một Scotland độc lập lại được đặt ra và nguy cơ Vương quốc Anh phải đối mặt với sự tan rã trong nội bộ là điều hoàn toàn khả thi.
Châu Âu nín thở chờ trưng cầu dân ý tại Anh về Brexit
Người Anh sẽ đi lại và làm việc tại EU ra sao?
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân Anh là việc đi lại và làm việc tại các nước thành viên EU sẽ thay đổi ra sao sau Brexit?
Về nguyên tắc, khi không còn là thành viên EU, Vương quốc Anh sẽ thiết lập lại việc kiểm soát chặt chẽ ở biên giới và các công dân EU cần có giấy tờ hợp lệ để nhập cảnh và làm việc tại Anh. Theo nguyên tắc có đi-có lại, công dân Anh cũng sẽ phải có giấy tờ để vào và làm việc trong không gian EU.
Tuy nhiên, khả năng lớn là dù Brexit diễn ra, Vương quốc Anh và EU sẽ vẫn ký một thỏa thuận về Thị trường chung và khi đó việc tự do lưu thông giữa hai bên vẫn sẽ được đảm bảo.
Điều này sẽ trở nên khó khăn hơn đối với giấy phép lao động bởi một trong những lí do lớn nhất để người dân Anh chọn Brexit là muốn ngăn lao động nhập cư vào Anh nên chính phủ Anh có thể sẽ siết chặt quy định về giấy phép lao động đối với công dân EU./.