Mua 2 tỷ liều vaccine và phân phối đến các quốc gia thiếu vaccine trước cuối năm 2021 - Đây là mục tiêu của COVAX giúp đảm bảo công bằng vaccine toàn cầu cho các quốc gia có thu nhập thấp.

Tuy nhiên, hiện nay đã cuối tháng 5/2021, COVAX mới chuyển giao được hơn 68 triệu liều. Nói cách khác, COVAX mới chỉ đi được 3,4% quãng đường để đạt được mục tiêu đề ra.  Tại hội nghị thượng đỉnh giải pháp toàn cầu hôm qua, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres chỉ ra một số thách thức mà COVAX đang phải đối mặt:

“Chúng ta phải đảm bảo phân phối công bằng và thế giới vẫn còn khoảng cách xa trong việc đạt được mục tiêu. Chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa dân tộc vaccine, tích trữ vaccine, mua nhiều hơn gấp 3 đến 4 lần nhu cầu dân số. Chúng ta cũng phải đối mặt khó khăn với nguồn cung vaccine. Đây là thàm kịch mà chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá”, ông Guteres nói.

Thách thức lớn nhất hiện nay của COVAX đó là Cơ chế này đang thiếu tiền để mua vaccine. COVAX hôm qua cho biết cần thêm 2 tỷ USD tài trợ vào đầu tháng 6/2021 để nâng mức độ bao trùm của chương trình lên 30%, đồng thời chốt số liều vaccine có thể phân phối trong năm 2021 và vào đầu năm 2022.

Thách thức thứ hai đối đó là nguồn cung vaccine. Không chỉ việc các nước giàu  tích trữ vaccine từ rất sớm, COVAX còn gặp khó khăn do số ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt tại Ấn Độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Viện Huyết thanh của Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Điều này khiến nguồn cung của COVAX trong quý II/2021 thiếu hụt nghiêm trọng. Trong khi đó, lời kêu gọi các quốc gia phát triển chia sẻ vaccine không nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia ủng hộ để không bỏ lỡ mục tiêu đề ra của COVAX.

“Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hỗ trợ để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 và đến tháng 12 đạt được mục tiêu là tiêm chủng ít nhất 30% dân số vào cuối năm. Đây là điều quan trọng để ngăn chặn đại dịch nguy hiểm này”, ông Ghebreyesus nói.

Bất chấp những khó khăn nhưng giới chuyên gia nhận định, 3 thách thức này đều có thể giải quyết được. COVAX dự kiến có số lượng liều vaccine lớn hơn vào cuối năm nay thông qua các hợp đồng đã ký kết với một số nhà sản xuất. Hiện các nước phát triển bắt đầu đưa ra các cam kết tài trợ vaccine mạnh mẽ hơn cho chương trình này. Mỹ cam kết cung cấp khoảng 80 triệu liều vaccine, khoản tài trợ lớn nhất từ một quốc gia./.

Không chỉ huy động từ quốc gia và các nhà tài trợ lớn, COVAX hiện đang huy động sức mạnh của khu vực tư nhân, phát động một chiến dịch gây quỹ mang tên “Hãy tặng một liều vaccine”. 

Chiến dịch này dự kiến được phát động tại nhiều quốc gia trên thế giới, kêu gọi mỗi cá nhân ủng hộ 7 USD để mua tặng một liều vaccine cho ai đó tại một quốc gia thu nhập thấp thông qua COVAX. Theo Liên Hợp Quốc, cuộc chiến chống Covid-19 là trách nhiệm chung của toàn cầu, trong đó mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ chung tay đóng góp./.